Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Các điểm nghẽn chính Chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tiếp Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương, Bộ Kinh tế UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi - Ảnh: VGP/Hải Minh |
Chiều 8/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tiếp Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương, Bộ Kinh tế Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) Thani bin Ahmed Al Zeyoudi.
Đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai trong năm 2023 của Quốc vụ khanh Thani Bin Admed Al Zeyoudi, Phó Thủ tướng khẳng định UAE là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh chuyến thăm UAE vừa qua của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân (5/2023) và Bộ trưởng Ngoại giao UAE thăm Việt Nam (6/2023) đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác nhiều mặt giữa hai nước vì vậy việc hai bên khởi động đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) và tổ chức kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban liên Chính phủ hôm nay là bước triển khai hiệu quả kết quả của các hoạt động trao đổi đoàn các cấp giữa hai nước.
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm thúc đẩy đàm phán, ký kết CEPA trong thời gian sớm nhất nhằm tạo đòn bẩy vững chắc cho phát triển quan hệ thương mại-đầu tư song phương trong thời gian tới; đề nghị hai bên cần sớm tổ chức phiên đàm phán chính thức tiếp theo.
Phó Thủ tướng mong muốn Bộ Kinh tế và các doanh nghiệp UAE tích cực hỗ trợ Việt Nam thiết lập các cơ chế hợp tác về chứng nhận Halal; xây dựng các trung tâm kiểm định tiêu chuẩn Halal; đào tạo nhân lực và cán bộ kỹ thuật; xem xét sản xuất các sản phẩm Halal tại Việt Nam để có thể đáp ứng tốt hơn điều kiện của thị trường hồi giáo, góp phần gia tăng thương mại giữa hai nước.
Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp, quỹ đầu tư UAE đầu tư vào các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như năng lượng tái tạo, công nghiệp hóa chất, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, tăng trưởng sạch…
Việt Nam có quy mô dân số 100 triệu dân, quy mô nền kinh tế đạt trên 400 tỷ USD, quy mô thương mại 750 tỷ USD và thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế, đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo ra nhiều cơ hội thị trường cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài hợp tác kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời cũng chứng tỏ sự năng động, cởi mở của nền kinh tế Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị phía UAE phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ký kết các văn kiện hợp tác nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, trong đó có Bản ghi nhớ về thành lập nhóm công tác chung về hợp tác thương mại và công nghiệp Việt Nam-UEA, và Hiệp định về hợp tác và tương trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan…
Phó Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động giao lưu, xúc tiến, quảng bá về văn hóa, và du lịch, nhất là sau khi Việt Nam triển kai chính sách cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các quốc gia trên thế giới từ ngày 15/8/2023.
Quốc vụ khanh khẳng định Chính phủ UAE luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực; mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trong thời gian tới, trong đó ưu tiên thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp và tăng cường tiếp xúc giữa lãnh đạo hai bên tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế.
Về hợp tác thương mại, quy mô thương mại hai chiều được duy trì ổn định ở mức 5 tỷ USD mỗi năm từ năm 2019 đến nay, đưa Việt Nam vào top 10 đối tác nhập khẩu lớn nhất của UAE và ở chiều ngược lại, UAE là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.
Hai nước còn nhiều tiềm năng và dư địa để tiếp tục mở rộng, phát triển hợp tác, nhất là trong bối cảnh hai bên đang tích cực thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện.
Trong lĩnh vực đầu tư, các doanh nghiệp hai nước đã có dự án đầu tư trên lãnh thổ của nhau ở nhiều lĩnh vực, trong đó UAE đứng thứ 43 trong 148 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam, với tổng số 38 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 71 triệu USD còn Việt Nam có 5 dự án đầu tư còn hiệu lực tại UAE với tổng vốn đăng ký hơn 1,8 triệu USD.
Về hợp tác trong lĩnh vực nhân lực, Quốc vụ khanh UAE bày tỏ mong muốn hai bên tăng cường trao đổi, sớm ký kết các thoả thuận hợp tác nhằm thúc đẩy đưa lao động Việt Nam sang UAE trong thời gian tới./.