RCEP: Hành trình 8 năm để trở thành hiệp định “siêu khu vực” RCEP sẽ là hiệp định thương mại quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại? RCEP: Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới |
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN và các nước Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Tổng Thư ký ASEAN tại các điểm cầu.
Lễ ký kết Hiệp định RCEP theo hình thức trực tuyến |
Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết Hiệp định RCEP đã đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và tất cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định.
Đặc biệt, Hiệp định được thực thi với 15 thành viên, sẽ tạo ra thị trường vô cùng lớn với quy mô khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới. Theo nhiều dự báo, các thị trường trong khuôn khổ Hiệp định sẽ sớm đạt ngưỡng thu nhập để bùng nổ tiêu dùng nên có nhiều tiềm năng trong tương lai. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện năm 2018 cho thấy, việc thực thi hiệp định này có thể giúp tổng sản phảm quốc dân (GDP) của Việt Nam tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% nếu có tính đến lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế.
Ngoài ra, cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, điểm khác biệt là RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại. Nhờ đó sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.
Thêm nữa, mục tiêu mà ASEAN hướng đến là hình thành không gian sản xuất chung kết nối với các nền kinh tế lớn trong khu vực. Bởi thế, Hiệp định RCEP là mắt xích quan trọng để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Rõ ràng, để có thể trở thành không gian sản xuất thống nhất thì cần có thị trường đủ lớn và Hiệp định RCEP đảm bảo cho điều kiện tiên quyết đó.
Có thể nói, Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới với sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế.
Các nền kinh tế trong RCEP cũng có tính đa dạng cao, trong đó có những nền kinh tế có tiềm năng về vốn đầu tư hay công nghệ, có nền kinh tế có nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào. Đây chính là tiền đề quan trọng để phát triển đầy đủ chuỗi cung ứng, từ đó tạo ra không gian sản xuất thống nhất.
Hiệp định được thực thi với 15 thành viên, sẽ tạo ra thị trường vô cùng lớn với quy mô khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới. |
Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 4, các nhà lãnh đạo về RCEP đã ra tuyên bố chung. Theo đó, đều nhất trí rằng toàn bộ cơ hội và tiềm năng của Hiệp định RCEP chỉ được có thể hiện thực hóa khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo các nước sẽ giao quan chức các nước đẩy nhanh thủ tục phê chuẩn trong nước để Hiệp định sớm có hiệu lực, khi ít nhất 6 Quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước đối tác gửi văn kiện phê chuẩn đến Cơ quan lưu chiểu theo quy định của Hiệp định. Lãnh đạo các nước cũng giao các Bộ trưởng phát triển RCEP thành một nền tảng cho đối thoại và hợp tác về các vấn đề kinh tế và thương mại ảnh hưởng đến khu vực, đồng thời báo cáo thường xuyên.
Đánh giá cao vai trò của Ấn Độ với hiệp định này, các nhà lãnh đạo về RCEP khẳng định rằng, Hiệp định vẫn mở cửa cho Ấn Độ tham gia. Việc tham gia của Ấn Độ vào Hiệp định RCEP sẽ được hoan nghênh, với tư cách là một trong 16 quốc gia ban đầu tham gia đàm phán Hiệp định RCEP từ năm 2012 và có tầm quan trọng chiến lược trong việc tăng cường và mở rộng chuỗi giá trị khu vực.