Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quế lớn nhất Việt Nam trong 9 tháng năm 2023 Cách nào gia tăng giá trị cho xuất khẩu quế? |
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Phát triển bền vững ngành quế Việt Nam năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các đơn vị tổ chức sáng ngày 15/11.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ 3 trên toàn thế giới, chiếm 17% thị phần quế trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu quế năm 2022 đạt khoảng 300 triệu USD.
Với diện tích khoảng 180.000 ha, trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Quế có nhiều tác dụng trong sản xuất và cuộc sống như sử dụng làm gia vị, làm hương liệu, làm thuốc chữa bệnh, sử dụng để chế biến thức ăn, nuôi gia súc, gia cầm hoặc sử dụng làm phân bón…
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Triệu Văn Lực, qua theo dõi, tiềm năng lợi thế của ngành quế chưa phát huy tương xứng. Nguyên nhân do tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị chưa có, kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế, bảo quản vẫn còn yếu. Bên cạnh đó, vẫn thiếu các sản phẩm quế chất lượng cao.
Bên cạnh các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản,... quế Việt Nam muốn vào thị trường EU, chất lượng quế phải cao và đáp ứng Quy định không gây mất rừng do Ủy ban châu Âu (EC) quy định. Đây là điều người dân phải chú ý trong tổ chức sản xuất cây quế.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu quế đứng đầu thế giới |
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) - chia sẻ, năm 2022 Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế, chiếm 17% và là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt 292,2 triệu USD. Đã có một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến quế hiện đại, đặc biệt là một số doanh nghiệp của FDI, tuy nhiên vẫn chưa đủ so với cả ngành quế Việt Nam. Hiện thị trường xuất khẩu quế chính của Việt Nam là Ấn Độ, Hoa Kỳ, Bangladesh, Brazil, Indonesia.
Các vấn đề của ngành quế Việt Nam, bà Hoàng Thị Liên cho hay, Việt Nam chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường; tồn dư hóa chất glyphosate (có trong thuốc trừ cỏ) và hoạt chất chlorpyrifos (có trong thuốc trừ sâu) và hàm lượng kim loại: chì và thủy ngân; chất lượng cây giống còn bỏ ngỏ, chưa có nghiên cứu giống đầu dòng; chưa có một tổ chức làm đầu mối kết nối các tổ chức lại với nhau dẫn tới các chương trình hoạt động mang tính riêng lẻ.
Tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng quế còn chưa phát triển mặc dù Việt Nam có hơn 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực gia vị nhưng chủ yếu làm thương mại. Chuỗi cung ứng chưa được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt là việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để kết nối với các doanh nghiệp.
Thiếu công nghệ và vốn để đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; năng lực kỹ thuật chuyên sâu của khuyến nông - lâm chưa đáp ứng yêu cầu thực thế, thiếu chuyên gia và tài liệu. Chưa có các nghiên cứu đánh giá tiềm năng khác từ quế để thúc đẩy giải pháp gia tăng giá trị, ví dụ như về thị trường carbon, giá trị các sản phẩm phụ từ quế…
Tình trạng sâu bệnh xảy ra với cây quế và tình trạng khai thác không hợp lý, tận thu quá mức như: Khai thác trắng cả những diện tích quế còn non; chặt cây tỉa cành không khoa học... Diện tích quế hữu cơ bắt đầu phát triển nhưng còn rất ít, dưới 7% tổng diện tích, sản phẩm chưa đa dạng.
Đưa ra định hướng phát triển ngành quế, ông Triệu Văn Lực cũng cho rằng, cần xác định quỹ đất, quy mô vùng trồng; hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế đặc thù cho quế; nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống cây quế; phát triển vùng nguyên liệu; tổ chức sản xuất, phát triển cơ sở sơ chế, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tại hội thảo, Cục Lâm Nghiệp đã đọc Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) về Hồ tiêu thành Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) về Hồ tiêu và Gia vị; đồng thời giới thiệu các đồng chủ trì của Nhóm PPP tiểu ban ngành hàng quế.
Tham gia hội thảo, bà Laura Shumow – Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại gia vị Hoa Kỳ (ASTA) đã cập nhật các quy định mới liên quan đến xuất khẩu quế vào thị trường Hoa Kỳ. Đại diện Diễn đàn Sáng kiến gia vị bền vững (SSI) đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về các yêu cầu mới của châu Âu khi nhập khẩu quế như quy định liên quan đến “Thẩm định doanh nghiệp” (Due Diligence). Bên cạnh đó các doanh nghiệp trong nước cũng chia sẻ nhiều mô hình liên kết nông dân trong việc xây dựng chuỗi giá trị quế với những khó khăn và đề xuất can thiệp.
Ông Jan Gilhuis – Tổng thư ký Diễn đàn Sáng kiến gia vị bền vững (SSI) - cho biết, quế Việt Nam là nguồn nguyên liệu vô cùng quan trọng đối với thành viên SSI và SSI cam kết và tự hào được đồng hành cùng nhóm đối tác công tư nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành quế Việt Nam.
Còn theo ông Huỳnh Tiến Dũng – Giám đốc Quốc gia IDH tại Việt Nam, các bên khối công và khối tư không phải bây giờ mới bắt đầu trao đổi về hợp tác và hỗ trợ ngành quế. Trong thời gian qua, với sự kết nối của IDH và một số tổ chức phi chính phủ, khối công và khối tư đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động đối thoại, hợp tác xây dựng tài liệu tập huấn cho nông dân, phối hợp với các công ty quế thực hiện nhiều dự án liên kết sản xuất quế bền vững, thí điểm công cụ đo phát thải carbon trong chuỗi cung ứng quế… Tuy nhiên, quyết định chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nâng mức độ cam kết hợp tác công tư lên một tầm cao mới, toàn diện hơn.