Ngày 14/11, Ban quảng lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM phối với với Hiệp hội Hợp tác Kinh doanh Nông nghiệp Hà Lan – Việt Nam tổ chức Hội thảo “ Hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan- Việt Nam”.
Bà Mirjam Boekestijn – Điều phối viên Hà Lan chia sẻ về tiềm năng thế mạnh của nông nghiệp Hà Lan |
Bà Mirjam Boekestijn – Điều phối viên Hà Lan - cho biết: Hà Lan và Việt Nam đều là quốc gia có truyền thống nông nghiệp và nhiều điểm chung như có những vùng đồng bằng rộng lớn và màu mỡ. Là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực Nông nghiệp tuần hoàn, Hà Lan hướng đến tôn trọng thiên nhiên, sản xuất hiệu quả hơn và giảm thiểu chất thải cũng như sử dụng hóa chất.
Theo bà Mirjam, hiện nay ngành nông nghiệp Hà Lan tập vào ứng dụng công nghệ cao. Do quỹ đất ít, Hà Lan đã áp dụng công nghệ “dùng vốn thay đất”. Để tạo ra hiệu suất cao của đất, Hà Lan đã hình thành hệ thống nhà kính với công nghệ hiện đại nhất thế giới. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện nguồn lực tự nhiên.
“Hà Lan đang tập trung phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực có sức cạnh tranh xuất khẩu. Hàng nông sản xuất khẩu quan trọng nhất của Hà Lan gồm sản phẩm hoa - rau - cây cảnh, thịt, sữa và trứng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của Hà Lan luôn chú trọng giáo dục - đào tạo để nâng cao trình độ của lao động nông nghiệp”, điều phối viên Hà Lan nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội hợp tác doanh nghiệp trồng trọt Hà Lan - Việt Nam, thời gian qua, Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam trong phát triển nhiều sản phẩm nông sản chất lượng như tôm, khoai tây, các sản phẩm sữa... Hai bên đã có sự hợp tác chặt chẽ. Đặc biệt, cả vấn đề an toàn thực phẩm, chúng tôi đã chia sẻ hỗ trợ với những phòng tham chiếu giúp sản xuất đảm bảo an toàn, với người tiêu dùng không chỉ của Việt Nam mà cả trên thế giới, thực phẩm an toàn là vấn đề quan trọng đầu tiên.
Hiệp hội hợp tác doanh nghiệp trồng trọt Hà Lan - Việt Nam chia sẻ cơ hội hợp tác của DN 2 nước |
Việt Nam hiện có 7 sản phẩm trồng trọt có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/ năm; trong đó có 4 sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD là lúa gạo, cà phê, hạt điều và trái cây. Ngành trồng trọt đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt khoảng 2 – 2,5%/ năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 22 tỷ USD vào năm 2020.
Đại diện DN ngành nông nghiệp Việt Nam cho biết, nông nghiệp Việt Nam nói chung và trồng trọt nói riêng là ngành dễ bị tổn thương và nhiều rủi ro. Hiện, ngành nông nghiệp đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với các ngành khác về nhân lực, đất đai. Việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; áp dụng công nghệ tiên tiến còn hạn chế, chưa đạt được đột phá để tăng giá trị gia tăng…
Nông nghiệp Hà Lan đang phát triển mạnh mẽ nhờ áp dụng các ứng dựng khoa học kỹ thuật vào các mô hình nông nghiệp. |
Thời gian tới, nhiều DN trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam mong muốn hợp tác phối hợp với các DN ngành nông nghiệp của Hà Lan nhằm thúc đẩy phát triển các dự án kỹ thuật trong nông nghiệp, đồng thời khuyến khích các DN Hà Lan đầu tư vào ngành nông nghiệp Việt Nam theo hình thức FDI hoặc đối tác công tư PPP.
Tại Hội hội thảo, các doanh nghiệp Hà Lan đã chia sẻ về các công nghệ phục vụ sản xuất; phương pháp xây dựng chuỗi giá trị cung ứng; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch… đang được áp dụng tại Hà Lan và nhiều nước trên thế giới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường châu Âu nói riêng và Á-Âu nói chung là thị trường tiềm năng vô cùng lớn của Việt Nam vì các thị trường này cần rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như điều, gạo, rau, hoa quả và cá… Đối với Hà Lan, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ đem lại rất nhiều cơ hội giao thương cho các DN của hai nước, cơ hội hợp tác giữa hai nước với nhau.