Việt Nam có nhiều thuận lợi để xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào thị trường Anh Hiệp định thương mại tự do: Cơ hội để xuất khẩu gỗ sang thị trường Australia |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu đồ nội thất văn phòng bằng gỗ trong tháng 12/2022 đạt 28,4 triệu USD, giảm 28,6% so với tháng 12/2021. Năm 2022, trị giá xuất khẩu đồ nội thất văn phòng bằng gỗ đạt 370,3 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam dẫn đầu Đông Nam á trong xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Australia |
Trong cơ cấu đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu năm 2022, đồ nội thất văn phòng là mặt hàng có tốc độ giảm mạnh nhất do xuất khẩu sang các thị trường chính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Anh giảm mạnh.
Trong đó, đồ nội thất văn phòng xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Hoa Kỳ trong năm 2022, đạt 225,4 triệu USD, giảm 13,6% so với năm 2021. Trị giá xuất khẩu tới Hoa Kỳ chiếm 60,9% tổng trị giá xuất khẩu đồ nội thất văn phòng. Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản, đạt 67,7 triệu USD, giảm 7,3% so với năm 2021; tới thị trường Trung Quốc đạt 15,9 triệu USD, giảm 44,6%; Anh đạt 13,6 triệu USD, giảm 16,6%...
Lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng các quốc gia ưu tiên chi tiêu cho lương thực, thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu, do đó cắt giảm chi tiêu cho đồ nội thất văn phòng.
Bên cạnh đó, giá cước vận tải ở mức cao, cùng với giá mua gỗ nguyên liệu tăng mạnh, khiến giá thành sản xuất tăng, càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất văn phòng của Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, triển vọng xuất khẩu đồ nội thất văn phòng bằng gỗ trong năm 2023 cũng chưa khả quan, khi tình hình kinh tế toàn cầu được dự báo vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Bên cạnh bức tranh màu xám, theo tính toán từ số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 11 tháng năm 2022, Australia nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 1,6 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, Australia tăng mạnh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường Đông Nam Á. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Việt Nam đạt 205,6 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là thị trường Malaysia đạt 101,9 triệu USD, tăng 28,4%; Indonesia đạt 61,7 triệu USD, tăng 15,6%. Tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ 3 thị trường này chiếm 22,9% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Australia.
Ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ là những mặt hàng mà Australia nhập khẩu nhiều nhất trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, dư địa xuất khẩu của những mặt hàng này vẫn còn nhiều để doanh nghiệp Việt Nam khai thác trong thời gian tới. 'Ngoài ra, mặt hàng đồ nội thất nhà bếp và đồ nội thất văn phòng Australia nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp, trong đó tiềm năng xuất khẩu những mặt hàng này còn khá lớn', Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Do dó, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư trang thiết bị hiện đại để sản xuất các sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng. Theo đó, khả năng mở rộng thị phần những mặt hàng này tại Australia là rất khả quan.
Tuy nhiên, Australia là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới với nhiều yêu cầu về chứng chỉ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao, quy trình nhập khẩu khắt khe. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nước này có mức sống cao và sẵn sàng chi trả cho các mặt hàng nhập khẩu giá cao nếu cảm thấy hài lòng với sản phẩm.
Chính vì vậy, để thâm nhập vào thị trường Australia, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm, thay vì giá thành. Đồng thời, tăng cường nắm bắt thị hiếu khách hàng và chú trọng xây dựng thương hiệu vững chắc cho sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ.