Cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài
Tại Lễ công nhận Nền tảng số phục vụ người dân cho Trình duyệt và Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 7/10, bà Mai Thị Thanh Oanh, Giám đốc Kinh doanh và Đối ngoại Cốc Cốc chia sẻ trong niềm tự hào, cứ 3 người dùng Internet tại Việt Nam thì có 1 người dùng Cốc Cốc. Đây là một trong những sản phẩm nội địa có lượng người dùng lớn nhất Việt Nam.
Bà Mai Thị Thanh Oanh - Giám đốc Kinh doanh và Đối ngoại của Cốc Cốc chia sẻ tại Lễ công nhận Nền tảng số phục vụ người dân cho Trình duyệt và Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc |
Công ty TNHH Cốc Cốc có 4 sản phẩm chính, trong đó sản phẩm lớn nhất, được nhiều người biết đến và sử dụng là Trình duyệt Cốc Cốc. Hiện tại Cốc Cốc là trình duyệt được sử dụng phổ biến thứ 2 tại Việt Nam với 28 triệu người dùng.
Cốc Cốc chinh phục người Việt bởi tốc độ duyệt web nhanh, những tính năng phù hợp với nhu cầu của người Việt khi vào mạng như download, đọc tin tổng hợp, duyệt web không quảng cáo phiền nhiễu.
Sản phẩm thứ 2 của Cốc Cốc là công cụ tìm kiếm Cốc Cốc. "Đây là sản phẩm Cốc Cốc rất tự hào bởi đó là 1 trong 10 công cụ tìm kiếm nội địa trên thế giới có khả năng cạnh tranh với công cụ nước ngoài. Với Cốc Cốc, Việt Nam đã xếp ngang hàng với Mỹ, Nga, Hàn Quốc… là những quốc gia có công cụ tìm kiếm nội địa" - bà Mai Thị Thanh Oanh khẳng định.
Các sản phẩm thứ 3 và thứ 4 của Cốc Cốc là hệ thống quảng cáo Cốc Cốc và mạng quảng cáo Cốc Cốc, những sản phẩm giúp cho nhà quảng cáo có thể tiếp cận gần hơn với khách hàng của mình. Hệ thống quảng cáo Cốc Cốc hiện đã và đang hỗ trợ hơn 16.000 khách hàng với hơn 20.000 chiến dịch mỗi tháng.
Ông Nguyễn Vũ Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cốc Cốc cho biết, Cốc Cốc là một trong những đơn vị đầu tiên được công nhận Nền tảng số phục vụ người dân. Điều này có ý nghĩa rất lớn với Cốc Cốc vì nó khẳng định được tính “Việt Nam” trong sản phẩm của Cốc Cốc, là sự ghi nhận những nỗ lực của Cốc Cốc để đại diện cho công nghệ Việt cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Từ câu chuyện của Cốc Cốc có thể thấy, các doanh nghiệp số của Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng làm chủ công nghệ và cạnh tranh với các nền tảng tương tự của quốc tế. Thực tế, không ít doanh nghiệp đã dịch chuyển từ các nền tảng số nước ngoài sang các nền tảng số trong nước bởi các sản phẩm Make in Vietnam có lợi thế về chi phí thấp hơn, đội ngũ hỗ trợ khách hàng luôn thường trực, không vướng các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, thời gian...
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số.
Trong các chiến lược này, đều có điểm chung, đặc thù là coi việc phát triển các nền tảng số phục vụ đông đảo người dân, doanh nghiệp, cơ quan là giải pháp đột phá để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam. "Trong đó, nền tảng số mang công nghệ số đến với mọi người đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân giống như các dịch vụ thiết yếu là điện và nước" - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, với tổng số người dùng Internet tại Việt Nam hơn 70 triệu người, Việt Nam là đất nước có đông người sử dụng Internet. Thời gian trung bình mỗi người dân Việt Nam sử dụng 7 tiếng mỗi ngày trên môi trường số. Để giữ liên lạc với bạn bè, tra cứu thông tin và cập nhật tin tức, trình duyệt web và công cụ tìm kiếm là công cụ không thể thiếu đối với người dân.
Tuy nhiên, 70 triệu người dùng Internet Việt Nam mặc dù có những nhu cầu giống với người dùng Internet toàn cầu, nhưng cũng có những nhu cầu chỉ riêng người Việt Nam mới có, ví dụ tìm kiếm về dịch vụ công... Theo đó, cỗ máy tìm kiếm toàn cầu sẽ không đáp ứng được yêu cầu này, nên nền tảng tìm kiếm của Việt Nam sẽ không giống với nền tảng tìm kiếm trên toàn thế giới.
Đồng hành, hỗ trợ nền tảng số Make in Việt Nam
Ông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, với 70 triệu người dùng Internet là dư địa rất lớn cho nền tảng tìm kiếm và trình duyệt Make in Vietnam nói chung và Cốc Cốc nói riêng. Thực tế, Việt Nam đã có những nền tảng số đạt mốc 70 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng.
Hiện tại Cốc Cốc là trình duyệt được sử dụng phổ biến thứ 2 tại Việt Nam với 28 triệu người dùng |
Nền tảng tìm kiếm và trình duyệt Make in Vietnam không cạnh tranh trực tiếp với các nền tảng xuyên biên giới mà sẽ đem lại giá trị phù hợp cho người Việt Nam. Đây phải là những sản phẩm tốt nhất để người dân Việt Nam sử dụng. Mặc dù, đây là việc khó nhưng là sứ mệnh vinh quang để đưa Việt Nam trở thành quốc gia số.
Trả lời phóng viên về vấn đề Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ, đồng hành các nền tảng số Make in Vietnam như thế nào, để tiếp cận 70 triệu người dùng Internet?, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng bày tỏ, đây là câu hỏi Bộ đã trăn trở từ lâu.
Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc này đó là Bộ sẽ có tiếng nói rõ ràng về mặt kỹ thuật công nghệ: Doanh nghiệp có sản phẩm tốt hay không tốt, Bộ sẽ đứng ra trả lời câu hỏi đó, và với những nền tảng mà được Bộ đánh giá lựa chọn, Bộ sẽ đứng ra khẳng định về mặt chuyên môn, kỹ thuật. Đồng thời, sẽ xác nhận đây có có phải là nền tảng Make in Vietnam hay không.
Hơn nữa, trong xu hướng ngày nay, các doanh nghiệp càng lớn, trách nhiệm pháp lý càng nhiều, nhưng nhiều khi doanh nghiệp cũng không biết làm thế nào để tuân thủ quy định. Thay vì câu chuyện kiểm tra, xử lý vi phạm ngay lập tức, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành hướng dẫn các doanh nghiệp và có thời gian chuyển tiếp để các doanh nghiệp có thể tuân thủ các quy định này.
Đặc biệt, Bộ sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc tạo đầu ra cho những sản phẩm tốt cũng như tạo thị trường. “Bộ sẽ tìm sản phẩm, doanh nghiệp tốt và giúp họ mở rộng thị trường. Khi doanh nghiệp có sản phẩm tốt, Bộ có mạng lưới truyền thông cơ sở để thúc đẩy các sản phẩm tốt của Việt Nam tiếp cận người dùng hơn" - Thứ trưởng khẳng định.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thúc đẩy tổ công nghệ số cộng đồng với mạng lưới lên tới 200.000 người, sẽ đến tận thôn xóm để tư vấn cho người dân sử dụng các dịch vụ số.