Xuất khẩu gạo tăng 36,1%, đạt 3,17 tỷ USD Gặp khó trong thu mua lúa, doanh nghiệp xuất khẩu gạo kiến nghị gì? |
Trong văn bản báo cáo được gửi tới Văn phòng Chính phủ gần đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo.
Bối cảnh được VFA đưa ra là do giá cả gạo biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, đến nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Và điều này xuất phát từ tâm lý chờ giá nên dẫn tới hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.
Giá lúa gạo trong nước biến động sau các động thái từ những quốc gia xuất khẩu trên thế giới |
Chính vì thế, theo VFA, việc bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo là để đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân xuất khẩu gạo, nhất là những thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109 và Nghị định 107 của Chính phủ.
Trên thực tế, mức độ khó lường trên thị trường gạo quốc tế đang gia tăng sau những chính sách từ các nguồn cung gạo lớn trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan và Myanmar.
Cụ thể, với Ấn Độ, trong thời gian từ 20/7 tới nay nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này đã liên tục có những động thái khác nhau trong điều hành gạo. Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo vào ngày 20/7, đến cuối tháng 8/2023 nước này tuyên bố áp 20% thuế lên mặt hàng gạo đồ (loại làm bún, bánh…), mặt hàng chiếm 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của nước này; đồng thời áp giá sàn 1.200 USD/tấn lên sản phẩm gạo đặc sản Basmati để tránh tình trạng các thương nhân phối trộn các loại gạo trắng thường vào gạo Basmati.
Cùng với Ấn Độ thì Myanmar cũng đang xem xét tạm dừng xuất khẩu trong thời gian 45 ngày.
Đáng chú ý, trong lúc thị trường gạo thế giới đang lên cơn sốt thì Ấn Độ tiếp tục công bố 2 quyết định quan trọng vào ngày 30/8. Trong đó các quyết định này cho phép các lô hàng gạo trắng (trừ gạo Basmati) bị kẹt ở cảng được phép xuất khẩu; đồng thời phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trắng (trừ gạo Basmati) đến 3 nước là Bhutan, Singapore và Mauritius.
Các chuyên gia nhận định rằng tình hình sản xuất và thị trường thương mại gạo thế giới trong thời gian tới chứa đựng nhiều biến động, rủi ro do chính sách xuất nhập khẩu gạo của một số nước cũng như diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết.
Chính vì vậy việc quy định giá sàn vào thời điểm này được cho rằng là biện pháp cần thiết trong thời điểm hiện tại.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing của Công ty TNHH Vrice nêu ý kiến: Quan điểm chung của người kinh doanh là muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả người dân tham gia lao động sản xuất- giúp phát triển đất nước. Tuy nhiên trong những thời điểm phức tạp sẽ có một số người trục lợi trên sự thông thoáng này và có thể ảnh hưởng đến người dân.
Do đó, ông Có cho rằng, việc xây dựng giá sàn xuất khẩu là bảo vệ người sản xuất/xuất khẩu và là biện pháp cần thiết trong thời điểm hiện tại. Việc này sẽ giúp ổn định tình hình lương thực trong nước, có lợi cho người tiêu dùng; ổn định tình hình xuất khẩu giúp có lợi cho người nông dân về lâu dài; còn đối với doanh nghiệp xuất khẩu - cụ thể là người đã đầu tư theo Nghị định 109 và Nghị định 107 vào hệ thống nhà máy/ kho xưởng sẽ giúp họ có thể tồn tại và cạnh tranh với các nhà xuất khẩu khác trên thương trường quốc tế.
Philippines áp giá trần bắt buộc giá gạo bán lẻ Trong một diễn biến khác Philippines vào ngày 31/8 cũng đã đưa ra quyết định về giá trần với mặt hàng gạo. Quyết định này của Philippines nhằm đối phó với sự gia tăng đáng báo động của giá gạo bán lẻ. Cụ thể, giá trần đối với gạo xay xát thông thường tại Philippines được đặt ở mức 41 peso (0,72 USD)/kg, trong khi giá gạo xay xát kỹ được đặt ở mức 45 peso (0,79 USD)/kg. Mức trần này bắt buộc có hiệu lực cho đến khi được tổng thống Philippiens dỡ bỏ. Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết gạo xay xát kỹ trong nước và nhập khẩu hiện được bán ở mức từ 47 đến 56 peso ở khu vực thủ đô, trong khi gạo xay xát thông thường trong nước và nhập khẩu có giá 42 đến 55 peso tính đến ngày 30/8. Philippines là một trong những nước nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Giá gạo bán lẻ của nước này đã tăng đáng kể trong tháng 8. Một số loại gạo tăng tới 25% tại một số thị trường trong và xung quanh thủ đô nước này. Về nguồn nhập khẩu, Philippiens chủ yếu nhập gạo từ Việt Nam, bên cạnh đó là Thái Lan và Ấn Độ. Ngược lại, Philippiens cũng là khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tính đến 15/8/2023, Việt Nam đã xuất khẩu sang Philippiens đến 2,15 triệu tấn gạo, chiếm trên 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippiens tăng cao trong năm nay để chuẩn bị đối phó với hiện tượng El Nino. Khoảng 2 tuần trước, giới chức Philippiens cho biết lượng gạo tồn trong kho dự trữ của nước này tương đương 45 ngày, ít hơn so với tiêu chuẩn 60 ngày. Giá gạo thế giới tăng cao khiến việc nhập khẩu khó khăn. |