Trung Quốc mở cửa trở lại tác động tích cực đến các thị trường hay không? Trung Quốc mở cửa trở lại có ý nghĩa như thế nào đối với kinh tế Việt Nam? |
Trước đó, ngày 7/12, Tân Hoa Xã cũng đưa tin người dân sẽ không phải xuất trình các kết quả xét nghiệm âm tính hoặc mã số sức khỏe để đi lại giữa các vùng khác nhau. Trừ những khu vực được xác định là có rủi ro cao.
Trong một quyết định được cho là dấu hiệu mạnh mẽ nhất của Trung Quốc tiến tới bỏ chính sách Zero-Covid và chuyển sang sống chung với dịch, Chính phủ nước này đã công bố một kế hoạch 10 điểm mới nhằm tối ưu hóa hơn nữa phản ứng chống dịch Covid-19.
Một người cao tuổi ở Bắc Kinh tiêm vaccine Covid-19 hồi tháng 4/2022. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Chính sách mới này nghiêm cấm tự ý mở rộng vùng nguy cơ cao và kêu gọi khoanh vùng nguy cơ Covid-19 một cách khoa học và có mục tiêu. Người dân sẽ không phải xét nghiệm hàng loạt theo khu vực hành chính. Người dân cũng không cần trình kết quả âm tính, mã sức khỏe khi đến những nơi công cộng hoặc di chuyển giữa các vùng. Những nơi không thuộc diện nguy cơ cao không được hạn chế đi lại, không được dừng công việc, sản xuất và kinh doanh. Các trường học không có dịch phải cho học sinh lên lớp học trực tiếp. Người mắc bệnh có thể cách ly tại nhà nếu có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
Đồng thời, chính phủ sẽ tăng cường nỗ lực tiêm ngừa cho người cao tuổi, đặc biệt nhóm từ 60 - 79 tuổi. Hoạt động xã hội và các dịch vụ y tế cơ bản phải diễn ra bình thường, không hạn chế đi lại hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh ở khu vực rủi ro thấp. Đảm bảo nhu cầu mua thuốc cơ bản của người dân.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tần suất và phạm vi xét nghiệm PCR cũng sẽ giảm. Việc xét nghiệm đại trà bắt buộc sẽ chỉ còn diễn ra ở các khu vực và trường học "có nguy cơ cao".
Hãng tin Reuters bình luận, đây là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho người dân sống chung với dịch Covid-19.
Trong 10 biện pháp mới đưa ra, Trung Quốc cũng đặt ra các yêu cầu với công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, đó là tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người cao tuổi và tăng cường phân loại quản lý những đối tượng dễ bị tổn thương nhất với Covid-19, yêu cầu các nhà thuốc trên cả nước duy trì hoạt động thường xuyên và không được tự ý đóng cửa. Việc mua trực tuyến và ngoại tuyến các loại thuốc không kê đơn như hạ sốt, ho, kháng virus và thuốc cảm sẽ không bị hạn chế. Hoạt động của các dịch vụ y tế cơ bản phải luôn được đảm bảo.
Mới đây, 4 loại vaccine Covid-19 mới đã được cơ quan chức năng Trung Quốc phê duyệt để sử dụng khẩn cấp, nâng tổng số vaccine được phép đưa vào sử dụng ở nước này lên 12 loại. Ngoài ra, liều vaccine thứ tư trên toàn quốc cũng sẽ sớm được tiêm cho nhóm người dễ bị tổn thương, có nguy cơ mắc bệnh cao.
Nhân viên phòng chống dịch tại một nhà hàng bị phong tỏa sau đợt bùng phát Covid-19 ở Thượng Hải, ngày 26/11/2022. Ảnh: Reuters |
Báo Thanh niên Trung Quốc dẫn nhận định của chuyên gia y tế Trung Quốc cho rằng, dù chính sách có được điều chỉnh theo hình thức nào, có thể sẽ có 80%-90% người dân nước này khó tránh khỏi bị nhiễm bệnh một lần. Vì vậy, liệu khi nới lỏng các biện pháp kiểm dịch, làn sóng lây nhiễm ập tới, liệu Trung Quốc có vượt qua được giai đoạn chuyển tiếp hay không, đang là điều dư luận quan tâm.
Báo Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói ngày 8/12 khẳng định: "Chúng tôi sẽ phối hợp tốt hơn giữa phòng chống dịch và phát triển xã hội, giữ vững trật tự sản xuất và sinh hoạt".
Trước đó, ngày 6/12, chủ trì một cuộc họp của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu trong năm 2023 nước này phải tiếp tục tối ưu hóa các biện pháp phòng chống dịch, đi sâu cải cách mở cửa toàn diện, thúc đẩy cải thiện tổng thể nền kinh tế và vực dậy mạnh mẽ niềm tin của thị trường. Hội nghị cũng yêu cầu phải nỗ lực mở rộng nhu cầu trong nước, phát huy đầy đủ vai trò cơ bản của tiêu dùng và vai trò then chốt của đầu tư. Đẩy nhanh xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại, nâng cao khả năng chống chịu và mức độ an toàn của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng.
Theo truyền thông Trung Quốc, nhiều địa phương mạnh về kinh tế ở Trung Quốc đã tổ chức các đoàn doanh nghiệp ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư. Những thay đổi trong chính sách kiểm soát dịch của Chính phủ Trung Quốc được nhiều nhà đầu tư hoan nghênh với hy vọng tạo lực đẩy cho nền kinh tế đang chậm lại của nước này, tiếp tục vực dậy tỷ giá đồng Nhân dân tệ và tiếp sức cho nền kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính GDP của Trung Quốc sẽ tăng 3,2% trong năm nay và 4,4% vào năm 2023.
Phát biểu tại cuộc họp báo với lãnh đạo các tổ chức kinh tế lớn ngày 9/12, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đánh giá, sự thể hiện này của Trung Quốc quan trọng không chỉ đối với Trung Quốc, mà còn đối với nền kinh tế thế giới.