Lợi ích sức khỏe từ bơ đậu phộng Mô hình trồng đậu phộng ở huyện miền núi Tịnh Biên Vì sao Thái Lan kêu gọi nông dân trồng bí ngô, đậu phộng... thay lúa |
Viện Kiểm sát nhân dân TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương có quyết định truy tố ông Trần Quốc Tân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Tân Tân, theo Điều 380 và Điều 200 Bộ luật Hình sự. Ông Tân bị cáo buộc không thực hiện bản án dân sự và trốn thuế.
Đối tượng liên quan còn có ông Trần Quốc Tuấn (56 tuổi), em ruột của ông Tân và là thành viên HĐQT Công ty CP Tân Tân, cũng bị cáo buộc về hành vi không chấp hành bản án.
Theo đó, Công ty Cổ phần Tân Tân, nổi tiếng với sản phẩm đậu phộng, từng là một trong những doanh nghiệp chế biến đậu phộng lớn nhất tại Việt Nam. Trong thời kỳ hoàng kim, công ty này sở hữu hơn 140 nhà phân phối và hơn 40.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc, đồng thời xuất khẩu sản phẩm đến nhiều quốc gia như Mỹ, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Thụy Điển, Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc).
Công ty Cổ phần Tân Tân tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. |
Theo hồ sơ, ngày 5/7/2011, ông Tân ký hợp đồng chuyển nhượng 3.666.666 cổ phần của mình cho bà Nguyễn Thị Thanh (62 tuổi) với giá 36,6 tỷ đồng. Sau khi trở thành cổ đông, bà Thanh đã nhiều lần yêu cầu HĐQT triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu lại HĐQT và cung cấp thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, ông Tân không thực hiện các yêu cầu này. Vì thế vào tháng 11/2015, bà Thanh đã gửi đơn kiện đến Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương.
Đến ngày 27/9/2018, Tòa án đã ra bản án yêu cầu các thành viên HĐQT của Công ty Cổ phần Tân Tân triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông và cung cấp các báo cáo tài chính cần thiết cho bà Thanh.
Dù bản án đã có hiệu lực, ông Tân cùng với ông Tuấn và cá nhân liên quan vẫn không thi hành bản án, dẫn đến quyết định cưỡng chế thi hành án vào tháng 9/2020. Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương đã gửi kiến nghị khởi tố ông Tân, ông Tuấn và bà Phụng (vợ ông Tân) về hành vi không chấp hành bản án.
Ngoài việc không chấp hành bản án, ông Tân còn bị cáo buộc trốn thuế. Theo đó, Công ty Cổ phần Tân Tân đã ngừng hoạt động từ năm 2013 do thua lỗ. Tuy nhiên, vào năm 2015, ông Tân đã cho Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất - Trồng trọt Tân Tân thuê lại nhà xưởng và kho với giá 100 triệu đồng mỗi tháng. Tính đến tháng 11/2022, số tiền thuế phải nộp từ hoạt động cho thuê này là gần 1,5 tỷ đồng, nhưng công ty không xuất hóa đơn và không kê khai thuế.
Theo điều tra, ông Tân và vợ là bà Châu Thị Phụng; cùng ông Trần Quốc Tuấn đều có đủ điều kiện để thực hiện bản án, nhưng họ đã cố tình không thực hiện để tránh việc bầu lại thành viên HĐQT. Bà Thanh, với 45,83% cổ phần, sẽ có quyền lãnh đạo công ty nếu bản án được thi hành.
Ông Tuấn (em ông Tân), dù không tham gia điều hành công ty từ năm 2013, vẫn có trách nhiệm với vai trò thành viên HĐQT trong việc thực hiện bản án. Bà Phụng, tuy có 10% cổ phần, không tham gia vào điều hành và hoạt động của công ty, và đã không bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi này.