Thuốc trong nước vẫn phải phụ thuộc lớn vào nhập khẩu
CôngThương - Thuốc trong nước đáp ứng được 50%
Theo Cục quản lý Dược Việt Nam, trong số 1.500 hoạt chất có trong các thuốc đã đăng ký, số hoạt chất sản xuất nội địa tăng từ 380 năm 1999 lên 773 hoạt chất năm 2006. Đến hết tháng 6/2008, có 8.167 số đăng ký tân dược là 6.422, chiếm 78,6%. Hiện nay, sản lượng thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ thuốc nội điạ và đang hướng ra xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về cơ bản, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu về thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Các cơ sở sản xuất vaccine trong nước cũng đã sản xuất được tất cả các loại vaccine phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tuy nhiên, với con số khiêm tốn 44,5 triệu USD xuất khẩu thuốc trong năm 2011, ngành công nghiệp dược Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để phát triển: nhiều doanh nghiệp dược đầu tư trùng lặp sản phẩm; kêu gọi liên doanh, liên kết với doanh nghiệp dược nước ngoài trong đầu tư vào lĩnh vực sản xuất dược phẩm còn khiêm tốn; công nghiệp bao bì dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc chưa được phát triển đồng bộ với các lĩnh vực khác trong tổng thể nền công nghiệp dược Việt Nam- ông Long chia sẻ.
"Chính vì vậy, trong thời gian tới cần phải tính tới việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp, từ đó thu hút FDI vào ngành dược phẩm. Có như vậy dược phẩm Việt Nam mới đạt được những tiêu chuẩn GMP của những thị trường khó tính cũng như chinh phục lòng tin của chính người tiêu dùng nội địa" - Ông Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Chính sách đầu tư chưa ổn định
Theo quy hoạch chi tiết phát triển công nghiệp dược Việt Nam giai đoạn 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, đến năm 2015 đặt mục tiêu đáp ứng 70% nhu cầu sử dụng thuốc trong nước và 80% vào năm 2020. Song song với quy hoạch này, Thủ tướng Chính phủ cũng dành ưu đãi đặc biệt cho việc phát triển sản xuất nguyên liệu kháng sinh trong nước: được vay khoảng 70% vốn đầu tư cố định của dự án với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng phát triển Việt Nam; miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư để sản xuất nguyên liệu kháng sinh; được cấp kinh phí chuyển giao công nghệ…
Hiện một số dự án được ưu đãi đã và đang trong giai đoạn triển khai. Cụ thể, cho phép dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp, nhóm cephalosporin của Công ty Mekophar với Tổng công ty Dược Việt Nam và dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp nhóm cephalosporin của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với Công ty Ampharco U.S.A sẽ được hưởng một số cơ chế, chính sách ưu đãi.
Theo đó, hai dự án trên sẽ được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam với mức 70% vốn đầu tư cố định của dự án, lãi suất cho vay là 3%/năm, thời hạn cho vay là 12 năm, trong đó thời gian gia hạn là 2 năm, trong thời gian gia hạn chưa phải trả gốc và lãi. Đồng thời, hai dự án này cũng sẽ được cấp kinh phí chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực từ ngân sách sự nghiệp khoa học thông qua dự án chuyển giao công nghệ, đào tạo do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, dự án sản xuất kháng sinh còn được hưởng một số ưu đãi khác về thuế suất nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị.
Chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã có, nhưng ngành dược trong nước vẫn chưa phát triển được. Ông Nguyễn Quý Sơn- Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Dược Việt Nam- đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa đầu tư vào sản xuất dược tại Việt Nam; các doanh nghiệp trong nước cũng chưa mặn mà? Tại sao số dự án sản xuất nguyên liệu hóa dược lại có rất ít và chậm triển khai?
Trả lời những câu hỏi trên, ông Sơn tự lý giải. Thực tế, cơ hội cho sản xuất nguyên liệu dược phẩm là có nhưng không đủ để thắng thế những khó khăn quá lớn như khó khăn về nguồn vốn, khó khăn về cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Điều này cần “bà đỡ” Nhà nước có chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã có, nhưng phải thực hiện chính sách công khai, minh bạch, cụ thể, ổn định và lâu dài để các doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư. Chỉ khi có được những chính sách cụ thể như vậy thì ngành dược trong nước mới khởi sắc được.