Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Đón sóng đầu tư từ các tập đoàn lớn Sức sống ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc Khu công nghệ cao Hòa Lạc thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn |
Thu hút vốn đầu tư đăng ký khoảng 95.723 tỷ đồng
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tại Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg ngày 12/10/1998 với mục tiêu: Khu Công nghệ cao Hoà Lạc là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là cầu nối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ cao mới; là điểm thử nghiệm, thí điểm rút kinh nghiệm cho việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghệ cao trong cả nước.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2023 |
Đến nay, trong quá trình hoạt động, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thiết lập môi trường chính sách đặc biệt, cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, thu hút các dự án sản xuất công nghệ cao, dự án nghiên cứu - triển khai, dự án hỗ trợ hoạt động nghiên cứu - triển khai, ươm tạo công nghệ được đầu tư bởi các tổ chức, đơn vị, trong đó có một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.
Tính đến hết tháng 1/2023, đã có 100 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định giao đất vào Khu CNC Hòa Lạc (bao gồm 86 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 95.723 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 370 ha, trong đó có nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước và nước ngoài.
Qua hoạt động đầu tư các dự án nghiên cứu - triển khai, các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các các công nghệ lõi, công nghệ cao thuộc thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Trong đó, có những công nghệ mới, công nghệ chủ yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở trình độ thế giới được chuyển giao cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đơn cử như các hoạt động chuyển giao công nghệ được thực hiện trong các dự án của các nhà đầu tư lớn, đủ tầm dẫn dắt các lĩnh vực công nghệ cao khác nhau trong Khu như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) để sản xuất các sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng, các sản phẩm công nghệ thông tin, thiết bị điện, điện tử, sản phẩm động cơ máy bay, sản phẩm vaccine cho người, các sản phẩm dược phẩm mới… có thể thay thế hàng nhập khẩu và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Sẽ bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra chiều 5/4/2023, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ, trong quý I, Bộ đã hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 4 văn bản đề án, đồng thời, phối hợp với UBND TP. Hà Nội xây dựng, hoàn thiện đề án chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội.
Hoạt động nghiên cứu, sản xuất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc |
Việc chuyển giao thực hiện theo chủ trương chung trong Nghị quyết của Đảng về chiến lược phát triển khoa học và công nghệ qua các thời kỳ. Từ khi thành lập, quy hoạch của Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được điều chỉnh 2 lần: Lần 1 vào năm 2008 và lần 2, năm 2016.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho hay, trong suốt thời gian xây dựng và phát triển, việc giải phóng mặt bằng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc gặp khó khăn trong thời gian dài. Dù vậy từ một khu đất liên quan đến núi đồi, khó phát triển nông nghiệp đã có những bước chuyển thành trở thành đô thị tiềm năng, có những bứt phá trong thu hút đầu tư, phát triển khoa học, các sản phẩm chủ lực công nghệ cao.
Khác với các khu công nghiệp bình thường, các khu công nghệ cao được định hướng thành đô thị khoa học và công nghệ nơi tập trung các hoạt động đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thời gian qua mục tiêu của Khu công nghệ cao Hòa Lạc là phát triển công nghệ lõi với định hướng có nhiều các trung tâm, viện nghiên cứu, chứ không tập trung "lấp đầy" nhanh. "Nếu lấp đầy nhanh bằng doanh nghiệp FDI có thể trong thời gian ngắn sẽ có nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm nhanh nhưng sẽ bão hòa nhanh về tiềm lực" - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Bên cạnh đó, lý do khác dẫn tới việc chậm phát triển là khu công nghệ cao không có đô thị xung quanh, nhà ở và giao thông chưa thuận lợi. "Bởi vậy, sau một thời gian phát triển, trong bối cảnh thay đổi cũng cần có điều chỉnh nhất định" - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu, đồng thời kỳ vọng khi Hà Nội tiếp nhận sẽ giữ nguyên được tinh thần phát triển công nghệ lõi, sẽ có đầu tư thêm, thuận lợi hơn để phát triển đô thị xung quanh.
Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thông tin thêm, hiện đề án chuyển giao đã được Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ, trong đó có đánh giá phân tích tác động mô hình quản lý, dự báo, nêu các vấn đề tồn tại cần giải quyết khi phát triển mô hình.
"Đơn vị đang lấy ý kiến đánh giá, góp ý để hoàn thiện bổ sung báo cáo và có đánh giá về lộ trình, phân tích chính sách đầu tư để quyết định trên cơ sở sẵn sàng của Hà Nội để chuyển giao" - ông Trung cho biết.
Đến nay, cả nước có 3 Khu công nghệ cao quốc gia gồm: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 288 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó khoảng hơn ¼ là các dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký tương đương hơn 17 tỷ USD; thu hút thành công nhiều tập đoàn/công ty lớn có uy tín trên thế giới đến đầu tư như: Samsung, Intel, Nidec, Hanwha, Jabil, Sonion, Sanofi, Microchip, Nipro, Datalogic…; đồng thời, có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam như: Như: Viettel; Vingroup; FPT; VNPT…
Về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổng giá trị sản xuất 3 Khu CNC quốc gia năm 2019 đạt gần 20 tỷ USD. Năm 2020 và 2021, mặc dù có ảnh hưởng Covid-19 nhưng giá trị sản xuất vẫn đạt được tương ứng hơn 21 tỷ USD và 23,35 tỷ USD cả năm. Giá trị xuất khẩu sản phẩm CNC của các khu CNC năm 2021 vượt 21 tỷ USD.