Gojek thông báo rút khỏi thị trường Việt Nam từ ngày 16/9 Việt Nam là thị trường quan trọng trong chiến lược Gojek Cần lưu ý khoản phụ phí trong ứng dụng gọi xe công nghệ |
Gojek là ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn thuộc hệ sinh thái kỹ thuật số GoTo của Indonesia. Đơn vị này gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 11/2018 với tên gọi GoViet. Đến năm 2020, GoViet hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek và hoạt động cho tới nay.
Theo số liệu tham khảo từ công ty nghiên cứu thị trường Q&M, trong năm 2022, Gojek vẫn đang đứng thứ 2 về thị phần đặt xe công nghệ (chiếm 30% thị phần người dùng tại Việt Nam chỉ đứng sau Grab). Khi đó, 3 ông lớn gồm Grab, Gojek, Be thâu tóm tổng cộng 97% thị trường công nghệ.
Tuy nhiên, từ khi có sự xuất hiện của Xanh SM và sự bứt phá của Be, năm 2024, thị phần của công ty tới từ Indonesia này đã giảm xuống chỉ còn 7%.
Từ 16/9, Gojek rút lui khỏi thị trường Việt Nam sau 6 năm ra mắt. |
Theo ông Hoàng Tùng, chuyên gia ngành dịch vụ và ẩm thực (F&B), cho biết: “Việc Gojek thất bại nguyên nhân chủ yếu là do sự cạnh tranh rất khốc liệt của thị trường này tại Việt Nam”.
Chứng minh cho sự cạnh tranh khắt khe này, vào năm 2018, tại thị trường xe công nghệ Việt Nam đã tồn tại 10 ứng dụng gọi xe khác nhau có thể kể tới như: MyGo, FastGo, Uber, ViVu,... điều này dẫn tới việc miếng bánh thị trường xe công nghệ bị xé nhỏ. Chỉ sau 1 năm, các ứng dụng gọi xe công nghệ này dần mất hút trên bản đồ Việt Nam, chứng tỏ thị trường gọi xe công nghệ không hề “dễ xơi” như tiềm năng của nó.
Để dành được miếng bánh lớn nhất cho mình, các hãng xe đã lao mình vào cuộc cạnh tranh "đốt" tiền nhằm giành lấy sự yêu thích của người dùng.
Số liệu thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường Q&M năm 2024. |
Ông Nguyễn Văn Thanh, cựu Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng: “Thị trường xe công nghệ tiếp tục hấp dẫn cho cả khách hàng và tài xế, nhưng sẽ cạnh tranh rất khốc liệt. Trong khi các hãng thuần Việt phải lựa chọn thị trường ngách và “biết mình biết ta”, thì các hãng ngoại lại sử dụng lợi thế vốn, kinh nghiệm, công nghệ để chiếm thị phần”.
Khi mới tham gia vào thị trường Việt Nam, để chứng tỏ tiềm lực tài chính của mình, GoViet (tức Gojek hiện nay) đã tung ra một loạt các ưu đãi vô cùng hấp dẫn cho người dùng với giá cước chỉ 5.000 đồng cho những chuyến đi dưới 8 km đón tại nội thành TP. Hồ Chí Minh. Thậm chí GoViet còn áp dụng thưởng hậu hĩnh cho tài xế chạy nhiều cuốc 1 ngày, giúp các tài xế có thu nhập hậu hĩnh từ 500.000-700.000 đồng/ngày, thậm chí lên đến 1 triệu đồng/ngày. Mức giá ưu đãi cùng với chính sách hỗ trợ tài xế hấp dẫn đã giúp Gojek phần nào khẳng định vị thế của mình trong thị phần gọi xe.
Cũng theo ông phân tích: “Một trong những nguyên nhân khiến Gojek thất bại đó là do các chiến lược của Gojek luôn có độ chậm trễ”. Điển hình là việc khi Grab đã có dịch vụ vận chuyển bằng xe 4 bánh (Grabcar), Be đã có từ cuối năm 2018, nhưng đến tận giữa năm 2021 Gojek mới triển khai dịch vụ này.
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Đông nhận định: “Họ không chú trọng mở rộng phạm vi hoạt động tại Việt Nam. Trong năm đầu tiên, Gojek vẫn chỉ hoạt động ở hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Mãi tới năm 2023, hãng mới phủ sóng thêm ở hai địa phương mới là Bình Dương và Đồng Nai”.
Kết quả là, theo số liệu thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường Q&M, năm 2018 Gojek có tổng nợ gần 600 tỷ đồng dù mới gia nhập thị trường, khi đó ở bên kia chiến tuyến, Grab đã bắt đầu gặt hái được những khoản lãi đầu tiên. Đến khi có thông tin Gojek rời khỏi thị trường Việt Nam, ông lớn tới từ Indonesia này đã có mức lỗ lũy kế lên tới gần 6.000 tỷ đồng.
Số liệu thống kê doanh thu của Gojek và Grab từ công ty nghiên cứu thị trường Q&M (Ảnh: Finpath) |
Thậm chí, doanh thu của Gojek thậm chí còn thua xa cả Xanh SM – "lính mới" tham gia thị trường khi ra mắt vào tháng 4 năm 2023.
Cũng theo ông Hoàng Tùng - chuyên gia ngành dịch vụ và ẩm thực (F&B): "Gojek rõ ràng đã nhận thấy việc đạt được lợi nhuận là vô cùng khó khăn, hiệu quả kinh doanh không cao, nên họ đã quyết định rút chân khỏi thị trường Việt Nam. Cạnh tranh trong lĩnh vực gọi xe tại Việt Nam rất khốc liệt, một trong những minh chứng là việc Baemin – một cái tên gây sốt trong thời đầu ra mắt cũng đã thất bại. Đã từng có tin đồn về việc Grab thương thảo để mua lại Gojek tại thị trường Việt Nam cùng với một số quốc gia khác ở Đông Nam Á nhưng cuối cùng thương vụ không thành.”
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng: “Việc Gojek rút lui khỏi thị trường Việt Nam không có gì quá bất ngờ. Thậm chí, Gojek đã tính trước điều này nên đây có thể là chiến lược đã được chuẩn bị từ trước. Khi một công ty rút lui thì thị trường không thất bại mà sẽ còn tiếp tục phát triển rất mạnh. Không chỉ ở lĩnh vực vận chuyển mà cả thương mại điện tử hay nhiều lĩnh vực khác đều như vậy. Khi thị trường cạnh tranh khốc liệt, cuối cùng chỉ còn tồn tại một vài công ty lớn”, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển bày tỏ quan điểm.
Các tài xế là đối tác của Gojek cũng sớm nhận thấy dấu hiệu của sự sụp đổ này. Ông Lê Văn Phúc (Đối tác tài xế Gojek) thông tin: "Thời điểm trước khi rút khỏi Việt Nam, hãng không còn ưu đãi gì cho khách hàng lẫn tài xế. Nửa tháng cuối, lượng khách đặt xe qua app Gojek xuống rất thấp. Bình thường từ 5h đến 8h30, tôi chạy được 3 - 4 cuốc xe thì 2 tuần qua chỉ được 1 - 2 cuốc, thu nhập giảm đáng kể".
Theo anh Phạm Ngân Giang, tài xế chạy xe Gojek ở TP. Hồ Chí Minh từ năm 2019 cho rằng: "Ứng dụng này đi xuống lâu rồi, từ năm ngoái, do có thời gian Gojek nâng giá khi trời mưa, trời nắng nóng giống như Grab; trong khi Be không nâng giá nên khách chuyển sang Be rất nhiều. Thời gian trước khi rút, dù Gojek không nâng giá nhưng khách cũng không quay lại", tài xế này cho biết.
Theo đánh giá, việc Gojek rút lui, hiện nay, các đối thủ như Grab, Be, Xanh SM sẽ tiếp tục cạnh tranh thị trường và hứa hẹn sẽ giúp thị trường gọi xe phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, các doanh nghiệp này đang có sự hậu thuẫn từ những tập đoàn lớn đứng sau.
Liệu trong tương lai, những công ty thuần Việt sẽ sở hữu thị trường này, hay gã khổng lồ tới từ Malaysia như Grab vẫn sẽ giữ ngôi vương?