Nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và nâng cao chất lượng hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp vướng mắc đang gặp phải, cũng như hiểu rõ hơn về mô hình hợp tác xã sinh viên đang được vận hành trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Làng Học sinh Sinh viên Sáng tạo - TechfestVN, Trường Đại học Trà Vinh tổ chức Tọa đàm “Mô hình hợp tác xã sinh viên, tiến tới hình thành Liên hiệp Hợp tác xã sinh viên trong trường cao đẳng, đại học”.
TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh |
Theo TS. Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh, trên thế giới có khoảng 10% GDP (tổng sản phẩm nội địa) từ mô hình hợp tác xã, điều đó chứng tỏ mô hình này cũng đóng góp rất hữu hiệu trong nền kinh tế của Việt Nam.
Hợp tác xã sinh viên là một tổ chức kinh tế tập thể đặc thù trong các trường cao đẳng, đại học do các thành viên là sinh viên, cán bộ, viên chức, giảng viên… tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã…
Hiện mô hình hợp tác xã sinh viên trong trường đại học rất mới, rất ít. Hiện mới có mô hình hợp tác xã sinh viên Trường Đại học Trà Vinh.
TS. Thái Doãn Thanh cho rằng, việc đưa vào hoạt động hợp tác xã sinh viên, tạo môi trường cho sinh viên thực hiện công tác khởi nghiệp, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế, phát huy tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm trong công việc, rèn luyện kỹ năng, tạo việc làm, thu nhập cho sinh viên.
Ông Nguyễn Văn Vũ An - Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp Trường Đại học Trà Vinh giới thiệu về mô hình hợp tác xã sinh viên tại Trường Đại học Trà Vinh |
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Vũ An - Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp Trường Đại học Trà Vinh đã giới thiệu về mô hình hợp tác xã sinh viên tại Trường Đại học Trà Vinh.
Theo ông An, sau 5 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã sinh viên Trường Đại học Trà Vinh đã chứng minh được hiệu quả trong phát huy tính sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của sinh viên. Từ đó, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng, tạo việc làm, thu nhập cho sinh viên. Đặc biệt, hợp tác xã cũng là nơi hình thành và phát triển ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh trong sinh viên, tạo môi trường cho sinh viên thực hiện việc khởi nghiệp, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế...
Đánh giá về Hợp tác xã sinh viên Trường Đại học Trà Vinh, TS. Thái Doãn Thanh nhìn nhận, đây là mô hình hay trong trường đại học vì gắn liền hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên… “Với phần trình bày của Đại học Trà Vinh cũng là trường có nhiều năm có mô hình này, sẽ cho chúng ta bức tranh tổng thể hoạt động của mô hình hợp tác xã đặc thù của sinh viên, để cho những trường đại học khác học hỏi và phát triển mô hình này và tiến tới xúc tiến thành lập Liên hiệp Hợp tác xã trong khối trường cao đẳng, đại học” - TS. Thái Doãn Thanh bày tỏ.
Đại biểu thảo luận, trao đổi các bước tiến hành việc xây dựng mô hình Hợp tác xã sinh viên, tiến tới hình thành Liên hiệp hợp tác xã sinh viên trong trường Cao đẳng, đại học |
Tại tọa đàm, bà Lê Thị Hồng Rang - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp Trường Đại học Trà Vinh đã trình bày dự thảo: Đề án thành lập Liên hiệp các hợp tác xã sinh viên trong trường cao đẳng, đại học. Đề án này được thực hiện sẽ mang lại rất thiết thực và hữu ích.
Cụ thể đối với sinh viên: Sẽ giúp giải quyết vấn đề việc làm, rèn luyện kỹ năng, tinh thần làm việc tập thể, tạo môi trường thực hành kinh doanh thử nghiệm ngay từ ghế nhà trường; được tham gia vào hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát của hợp tác xã; được sử dụng sản phẩm, dịch vụ với giám ưu đãi nhất với tinh thần sử dụng càng nhiều dịch vụ của hợp tác xã thì càng lợi.
Đối với các Trường cao đẳng, đại học: Nâng tầm thương hiệu của các Trường cao đẳng, đại học; hỗ trợ cho kiểm định, xếp hạng của nhà trường về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học mang danh nghĩa của Trường. Ngoài ra, đây cũng là mô hình vệ tinh hữu ích trong việc lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên cũng như tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên khởi nghiệp sau khi ra trường…