Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Một trong số các nội dung nhận được sự quan tâm ở dự thảo Luật lần này là quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 102).
Khai thác khoáng sản |
Có ý kiến cho rằng quy định về tiền cấp quyền là không khả thi và chưa phù hợp với thực tiễn; một số ý kiến đề nghị bỏ nội dung thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đồng thời xem xét tăng mức thu thuế tài nguyên khoáng sản.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng: Qua hơn 13 năm triển khai quy định về “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” cho thấy, giải pháp này đã hạn chế đầu cơ, giữ mỏ để chuyển nhượng, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, bảo đảm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao quyền khai thác, đồng thời đây là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Qua tổng kết cho thấy, quy định này vẫn khả thi, phù hợp, chưa thể bỏ để tăng mức thuế tài nguyên. Dự thảo Luật quy định theo hướng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế; do vậy, tiền cấp quyền sẽ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố liên quan tới trữ lượng địa chất, trữ lượng không được khai thác, không thể khai thác hết, vì lý do khách quan chưa đưa mỏ vào khai thác.
Bên cạnh đó, về khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 104), có ý kiến đề nghị tất cả quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc chỉ giữ khu vực không phải đấu giá đối với những loại khoáng sản mang tính chiến lược như năng lượng, phóng xạ.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý tại khoản 2 Điều 104 thu hẹp phạm vi, đối tượng khu vực không đấu giá; bỏ tiêu chí khu vực không đấu giá là “khoáng sản được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến sản phẩm công nghiệp theo quy hoạch khoáng sản”.
Có ý kiến đề nghị thực hiện đấu thầu dự án khai thác khoáng sản, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, đây là chính sách mới, rất phức tạp; việc quy định nội dung này có thể dẫn đến vướng mắc, khó khả thi do chưa đánh giá đầy đủ. Do đó, đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật và Chính phủ cần chỉ đạo nghiên cứu lộ trình để thí điểm, tổng kết, đánh giá trước khi Luật hóa.