Cục Bảo vệ thực vật nói gì về việc thời gian xét duyệt, cấp mã số vùng trồng còn chậm? Thêm 230 mã số vùng trồng sầu riêng vừa được Hải quan Trung Quốc cấp phép |
Ngày 20/4, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức "Hội nghị phổ biến quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu".
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay, trên toàn quốc có 6.439 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và 1.618 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu. Bao gồm 25 sản phẩm như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, chuối, thạch đen và khoai lang, tập trung xuất khẩu đi 11 thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia và Singapore.
Thực tế công tác quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu trong những năm qua cho thấy, mặc dù các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt rào cản kỹ thuật, buộc Việt Nam phải tuân thủ. Song nhiều địa phương, tổ chức và cá nhân chỉ mới tập trung vào công tác mở rộng số lượng diện tích vùng trồng và cơ sở đóng gói mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát các vùng nhằm đảm bảo tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu.
Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với việc xuất khẩu sản phẩm trồng trọt của Việt Nam, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ bị dừng xuất khẩu toàn ngành hàng.
Chính vì vậy, để đảm bảo tuân thủ đúng yêu cầu xuất khẩu, tất cả các bên liên quan trong chuỗi cần hiểu rõ quy định và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết; và quản lý chặt chẽ hơn nữa vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói. Với mục đích này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Văn bản hướng dẫn số 1776/BNN-BVTV để phân cấp rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng bên.
Việc thực hiện Văn bản 1776/BNN-BVTV sẽ giúp tăng tính minh bạch, trách nhiệm của các bên, giảm thiểu các hành vi không tuân thủ về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, phòng chống hành vi gian lận thương mại và tạo điều kiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tại hội nghị, các bên liên quan gồm các đơn vị xây dựng chính sách, cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, các hiệp hội ngành nghề, các cá nhân/đơn vị sản xuất, xuất khẩu cùng nhau trao đổi, chia sẻ để nắm rõ quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Từ đó, các bên cùng nhau thực hiện và tuân thủ quy định này một cách hiệu quả, giúp cho việc dễ dàng theo dõi nguồn gốc sản phẩm. Kết quả cuối cùng là để đảm bảo giảm thiểu các rủi ro về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, cũng như các hoạt động gian lận thương mại.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cho biết, việc quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói không chỉ để đáp ứng yêu cầu đảm bảo tuân thủ đúng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc của nông sản xuất khẩu mà còn giúp thay đổi tập quán canh tác, nâng cao nhận thức sản xuất của nông dân theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch và trách nhiệm, qua đó nâng cao giá trị hàng hoá nông sản, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Về phía Cục Bảo vệ thực vật, sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương, đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan để hướng dẫn thực hiện văn bản này một cách hiệu quả nhằm tăng cường mức độ tuân thủ quy định của các nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt.