Giải pháp thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu Chuyên gia WB: “Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài” |
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư. Nhưng trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chỉ trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo quy định của Luật Đầu tư 2020, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Ảnh: KL) |
Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2020 không có quy định về việc sau khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải làm thủ tục để điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để xác định nhà đầu tư trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là “tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập”. Điều này gây vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình thi hành.
Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ghi tên nhà đầu tư là nhà đầu tư cá nhân. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư mới thành lập doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư. Theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư 2020 thì doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập, sẽ là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư.
Sau một thời gian, doanh nghiệp này muốn mở rộng dự án, thực hiện thêm một số hoạt động nữa và thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để bổ sung các hoạt động này.
Tuy nhiên, theo VCCI các hoạt động mà doanh nghiệp muốn điều chỉnh lại là dịch vụ mà Việt Nam bảo lưu là nhà đầu tư nước ngoài phải là pháp nhân, không được là cá nhân. Trong khi đó, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đang ghi nhận nhà đầu tư của dự án là “cá nhân”, không phải doanh nghiệp, vì vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư đã từ chối không cho phép doanh nghiệp thực hiện thêm các hoạt động này.
VCCI đặt câu hỏi, trường hợp điều chỉnh hoạt động đầu tư như đề cập ở trên thì nhà đầu tư ở đây là “nhà đầu tư cá nhân” (có tên ghi trên Giấy đăng ký đầu tư) hay là “doanh nghiệp do nhà đầu tư cá nhân này thành lập” theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư)? Trên thực tế, sự khác biệt giữa nhà đầu tư trên Giấy đăng ký đầu tư và nhà đầu tư thực tế thực hiện dự án là nguyên nhân dẫn tới bất cập như đề cập ở trên.
Hiện nay, theo quy định của Luật Đầu tư 2020, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chỉ trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Việc thiết kế quy định phải có dự án đầu tư rồi mới được thành lập doanh nghiệp khiến cho tình trạng không xác định được chính xác nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư như trên.
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư, Luật Đấu thầu đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, VCCI cho rằng: Để giải quyết tình trạng trên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế rồi mới thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư.