Vẫn chưa xác định được nguyên nhân cá chết tại suối Cổ Đam
Chiều ngày 5/3/2025, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lương Xuân Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa có báo cáo về kết quả kiểm tra, xác minh sự việc cá chết bất thường tại suối Cổ Đam, đoạn chảy qua địa bàn phường Ba Đình, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa về vụ việc này, hiện tượng cá chết bất thường xảy ra tập trung từ ngày 22 - 23/2 và đến ngày 24-25/2 thì giảm dần... Các loài cá chết bất thường là cá tự nhiên như cá rô phi, cá chép, cá chuối, cá mương và một số loài động vật thủy sản khác.
Cá chết bất thường nổi trắng suối Cổ Đam. Ảnh: Trần Nghị |
Ngày 23/02/2025, UBND thị xã Bỉm Sơn đã chỉ đạo các phòng chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thực địa, đánh giá sơ bộ và đo nhanh các chỉ số môi trường cơ bản (DO, pH) đồng thời lấy mẫu nước để tiến hành phân tích theo quy định.
Đến ngày 24/02/2025, UBND thị xã Bỉm Sơn đã chỉ đạo UBND các phường Ba Đình, Lam Sơn phối hợp với công ty môi trường đô thị tiến hành vớt cá chết và đi tiêu hủy theo quy định để tránh ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước. Số lượng các loài thủy sản đã thu gom tiêu hủy khoảng hơn 250kg.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xác định cá chết không liên quan đến dịch bệnh. Ảnh: Trần Nghị |
Qua kết quả kiểm tra thực tế, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thuỷ sản và UBND thị xã Bỉm Sơn cho thấy, các loài động vật thủy sản tự nhiên chết trên Suối cổ Đam không có biểu hiện lâm sàng của bệnh truyền nhiễm, bệnh ký sinh trùng, nấm trên cá, khi mổ khám thấy các cơ quan nội tạng hoàn toàn bình thường.
Động vật thủy sản chết ở nhiều lứa tuổi khác nhau bao gồm: Cá chuối, cá chép, cá măng, cá mương, cá rô phi, lươn, chạch, tôm cua và một số lài động vật thủy sản khác; có hiện tượng cá tự nhiên ngoi lên mặt nước, dạt vào bờ.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành lấy 03 mẫu cá và 03 mẫu nước gửi đi phân tích các chỉ tiêu về bệnh lý và một số chỉ tiêu về nước trong nuôi trồng thủy sản. Đến ngày 28/02/2025, đã có kết quả phân tích mẫu của Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thuỷ sản miền Bắc - Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I.
Hiện nguyên nhân dẫn đến cá chết bất thường tại suối Cổ Đam vẫn chưa được làm rõ. Ảnh: Trần Nghị |
Căn cứ vào kết quả kiểm tra thực tế, kết quả xét nghiệm cho thấy: Không phát hiện các bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng, nấm trên cá được lấy mẫu; Aeromonas tổng số và Streptococcus tổng số có giá trị trong ngưỡng giới hạn, tại ngưỡng này chưa gây chết cá.
“Với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu, phân tích và xác định không có dịch bệnh, không có vi khuẩn. Khi không có phát sinh dịch bệnh chúng tôi đã khuyến cáo đến người dân để đảm bảo an toàn thực phẩm thì không vớt cá chết để làm thức ăn; tiến hành chôn cá, tiêu độc khử trùng theo quy định, không sử dụng nước từ sông để phục vụ sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và sử dụng cho gia súc, gia cầm uống”, ông Lương Xuân Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết.
Ông Vũ chia sẻ thêm, hiện sự việc này vẫn đang được các cơ quan chức năng có liên quan tiếp tục xác minh, làm rõ.
Trước đó như Báo Công Thương đã thông tin, vào chiều ngày 24/2, trên mặt suối Cổ Đam, đoạn chảy qua địa phận các phường Ba Đình, Lam Sơn (thị xã Bỉm Sơn), người dân đã phát hiện cá chết bất thường nổi trắng mặt suối. Do số lượng cá chết rất nhiều nên dồn ứ, trên mặt suối gây ô nhiễm môi trường.
Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, UBND thị xã Bỉm Sơn đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tới ghi nhận hiện trường, lấy mẫu nước, mẫu cá chết đi xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy Sản tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND thị xã Bỉm Sơn tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân động vật thủy sản tự nhiên, chết trên suối Cổ Đam. Tiếp tục chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các phường tiến hành tổ chức thu gom động vật thủy sản chết và tiêu huỷ theo đúng quy định pháp luật, xử lý môi trường nơi tiêu hủy bằng hóa chất, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh môi trường. Phân công cán bộ phụ trách địa bàn, tăng cường giám sát để phát hiện các trường hợp có động vật thủy sản chết, báo cáo và thực hiện kịp thời các biện pháp khắc phục, xử lý giảm thiệt hại; tổ chức rà soát, thống kê và báo cáo đầy đủ tình hình thiệt hại, báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền. |