Tăng năng suất lao động phải dựa vào kinh tế số Nâng cao năng suất lao động: Con đường ngắn nhất để phát triển kinh tế bền vững |
Chia sẻ tại diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng ngày 26/5, ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp Hà Nội – cho biết: Những năm qua, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân lao động như phong trào thi đua "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo", "Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động", phấn đấu đạt danh hiệu "Công nhân giỏi", "Sáng kiến sáng tạo" Thủ đô... đặc biệt là phong trào thi đua "Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi". Phong trào đã thu hút đông đảo công nhân lao động, người sử dụng lao động tích cực hưởng ứng tham gia, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp Hà Nội |
Đáng chú ý, phong trào thi đua "Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi" trong công nhân lao động đã khẳng định thi đua là động lực quan trọng để khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, ý thức trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặt biệt là tăng năng suất lao động, giảm hàng lỗi, hàng hỏng, cải tiến mẫu mã, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. “Đây cũng là cơ hội để công đoàn khẳng định sự sáng tạo đổi mới về nội dung, phương thức trong hoạt động, nhận được sự ủng hộ của người sử dụng lao động và sự hưởng ứng của người lao động”, ông Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh.
Thời gian tới, để phong trào thi đua trong công nhân lao động mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan toả rộng lớn hơn nữa, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp Hà Nội đề nghị: Cần duy trì và mở rộng Hội thi thợ giỏi ở các tỉnh, thành phố nơi có đông công nhân lao động với sự tham gia của chính quyền và người sử dụng lao động. Về phía doanh nghiệp, cần quan tâm đầu tư hơn nữa về thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức các hội thi thợ giỏi nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cùng chia sẻ về vai trò của công đoàn trong việc góp phần nâng cao năng suất lao động, đại diện cho công đoàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam – cho biết: Công ty Changshin Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất giày thể thao Nike, đi vào hoạt động từ năm 1995 với 38.495 đoàn viên/38.500 lao động, tỷ lệ tập hợp đạt 99,9%.
Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam |
“Chúng tôi nhận thức rằng, chỉ khi người lao động được chăm lo, động viên kịp thời cả về vật chất và tinh thần thì họ mới yên tâm làm việc, hăng hái thi đua lao động sản xuất”, ông Đặng Tuấn Tú bày tỏ.
Thực tế thời gian qua, tại Công ty Changshin Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả tại, như: Tổ chức phát quà Tết, tặng vé tàu, vé xe cho người lao động; thăm hỏi động viên khi người lao động ốm đau, hiếu hỷ; tổ chức sinh nhật, tặng quà nhân các ngày lễ…
Đối với Chương trình "Vòng tay nhân ái" giúp đỡ cho những người mắc bệnh hiểm nghèo, nan y có điều kiện chữa trị, chương trình đã thực hiện từ 2019 và có hàng trăm công nhân đã được tiền hỗ trợ. Riêng năm 2023, chương trình vận động hỗ trợ cho 38 công nhân, với tổng số tiền 2,1 tỷ đồng, bình quân mỗi người nhân khoảng 55 triệu đồng.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến chương trình xây dựng “Mái ấm công đoàn” cũng được thực hiện từ những năm 2000, qua chương trình đã giúp cho 184 công nhân có nhà ở, trị giá mỗi căn là 50 triệu đồng. Hay chương trình tuyên dương học giỏi sống tốt cho con công nhân lao động năm 2023, tuyên dương 7.705 cháu với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng; tổ chức cho người lao động chia sẻ kinh nghiệm trong lao động gắn với thăm quan, nghỉ mát. Năm 2023, có 18.000 lao động thăm quan tại Vũng Tàu, với kinh phí 12,3 tỷ đồng; tín chấp ngân hàng cho công nhân vay vốn với lãi suất thấp, năm 2023 có 2.580 công nhân vay với tổng số tiền 168,3 tỷ đồng.
Trong Tháng Công nhân, công đoàn kết hợp với công ty tổ chức nhiều hoạt động chăm lo về vật chất cũng như tinh thần cho người lao động như: Thi bóng đá, bóng chuyền, thi nấu ăn, thi kéo co, tìm hiểu pháp luật, thăm công nhân nhà trọ, công nhân nghèo địa phương, bán hàng bình ổn giá, tặng quà tri ân, rút thăm may mắn… Chương trình diễn ra sôi nổi, xuyên suốt tháng, trở thành ngày hội lớn của người lao động. Các hoạt động giúp công nhân gắn bó với công ty, tăng cường đoàn kết, tạo động lực làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt.
Ngoài ra, công đoàn còn thực hiện tốt việc giám sát, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện nghiêm túc các chính sách pháp luật, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, tiền lương, phúc lợi, điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động. Thường xuyên đối thoại định kỳ và đột xuất với Ban Giám đốc Công ty, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ tại doanh nghiệp. Chủ động xây dựng lộ trình họp lương với Ban Giám đốc Công ty. Lấy ý kiến người lao động để xây dựng được thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung tốt hơn so với luật định, thỏa ước của công ty được đánh giá thỏa ước lao động hạng A. Hoạt động thiết thực này đã góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Để góp phần thúc đẩy tăng năng suất, công đoàn đã vận động người lao động tuân thủ nội quy lao động gắn với phát động thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm nguyên vật liệu góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Công đoàn luôn góp ý với doanh nghiệp trong công tác quản trị, ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ thống văn bản, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của người lao động đến chủ doanh nghiệp, trong đó có nhiều ý kiến góp phần nâng cao năng suất lao động.
“Nhờ vào vai trò của tổ chức công đoàn, trong những năm qua, năng suất của người lao động công ty ngày một tăng. Nếu như năm 2012, mỗi công nhân một ngày chỉ sản xuất được 2,85 đôi giày thì sang năm 2024, mỗi ngày mỗi công nhân sản xuất được 3,44 đôi giày”, ông Đặng Tuấn Tú thông tin.
Tuy nhiên, tại diễn đàn lần này, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam cũng kiến nghị một số vấn đề: Thứ nhất, khi Luật Công đoàn sửa đổi, đề nghị Chính phủ và Quốc hội tiếp tục ủng hộ việc trích nộp kinh phí 2% từ doanh nghiệp, để tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động chăm lo cho người lao động và giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và 40 giờ/tuần cho phù hợp và theo kịp các nước cùng khu vực; đồng thời, tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi dài hơn để tái tạo sức khỏe và chăm sóc hạnh phúc gia đình.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện đồng bộ môi trường pháp lý, tạo điều kiện giảm thuế các mặt hàng nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, quy trình nhập khẩu đơn giản và linh hoạt.