Khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử
Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định. Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp |
Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, Luật Giao dịch Điện tử năm 2005 loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng, tài chính. Việc loại trừ này có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đang bị loại trừ.
Đồng thời, thiếu các quy định cụ thể về giá trị pháp lý của các yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như thông điệp dữ liệu, hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử; chưa có quy định làm rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.
Thiếu các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; thiếu quy định về việc tạo lập, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước; chưa cập nhật và đồng bộ các quy định về an toàn, bảo mật theo Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng được ban hành sau Luật Giao dịch điện tử năm 2005; chưa quy định việc quản lý các hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, mục đích sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005 nhằm tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực. Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dề dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 8 chương và 56 điều, trong đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 3-12-2021 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2021.
Không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính cản trở giao dịch điện tử
Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng, nhìn chung, dự thảo luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, dự thảo luật không quy định nội dung giao dịch, chỉ quy định những nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi các giao dịch trực tiếp truyền thống sang môi trường điện tử.
Dự thảo luật có mối quan hệ với rất nhiều pháp luật khác có liên quan, do đó, cần hết sức chú trọng đến tính đồng bộ, thống nhất. Các nội dung có liên quan đến an ninh, an toàn mạng và thông tin mạng cần được quy định đầy đủ, chặt chẽ nhưng bảo đảm nguyên tắc không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, cản trở các giao dịch điện tử.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu nhận định, trong những năm gần đây, trong các chiến lược cũng như trong các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vấn đề về chuyển đổi số quốc gia và kinh tế số, chuyển đổi số... là một trong những nội dung mới, nội dung trung tâm trong các chiến lược phát triển cũng như trong chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Do vậy, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là rất cần thiết để góp phần cụ thể hóa và đưa các chủ trương này đi vào cuộc sống.
Theo bà Thanh, tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) lần này dự kiến mở rộng phạm vi điều chỉnh các hoạt động giao dịch điện tử liên quan đến các hoạt động của đời sống xã hội, bao gồm cả việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các bất động sản khác; văn bản thừa kế; giấy đăng ký kết hôn; quyết định ly hôn; giấy khai sinh; giấy khai tử và các giấy tờ có giá trị khác... Trước đây, theo Luật 2005 thì chúng ta chưa có khái niệm và cũng chưa đề cập.
Do đó, bà Thanh tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật trong điều kiện thế giới công nghệ phát triển rất nhanh hiện nay, khi công nghệ số và chữ ký số ở Việt Nam đã được áp dụng ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh giao dịch điện tử trên nhiều lĩnh vực và không loại trừ các lĩnh vực trong luật.
Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên chúng ta mở rộng rất nhiều nội dung liên quan rất cụ thể đến đời sống xã hội, để đảm bảo tính khả thi của luật và bảo đảm an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử, bà Thanh đề nghị, cần đánh giá tác động kỹ hơn, nhất là những vấn đề khó khăn, vướng mắc nếu triển khai thực hiện các quy định này để sau khi chúng ta đã thống nhất và luật có hiệu lực thì các hoạt động giao dịch điện tử trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức, người dân có điều kiện thi hành được ngay cả về phương diện công cụ kỹ thuật, cả về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.
"Hầu hết các lĩnh vực mở rộng này lại trải dài, phân cấp thẩm quyền và có nhiều lĩnh vực được thực hiện từ cơ sở, như kết hôn, khai sinh, khai tử theo pháp luật về tư pháp; chứng nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo pháp luật về đất đai, nhà ở, việc triển khai này có khó khăn, vướng mắc gì không?" - bà Thanh nêu.