Ngày 9/11: Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm "Quản lý thị trường sữa và vấn nạn truyền thông bẩn" Trực tiếp Tọa đàm: Quản lý thị trường sữa và vấn nạn “truyền thông bẩn” |
Liên quan đến các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường sữa hiện nay, ông Lê Hoài Điệp, Cơ quan điều tra Cạnh tranh - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tăng cường công tác rà soát và thường xuyên giám sát hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sữa. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm, sẽ tiến hành xem xét và xử lý theo quy định pháp luật về cạnh tranh.
Thưa ông, thời gian qua trên mạng xã hội tràn ngập những thông tin quảng cáo mang tính chất cạnh tranh không lành mạnh về sữa và các sản phẩm từ sữa. Một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng "truyền thông bẩn" để tấn công đối thủ nhằm chiếm thị phần với nhiều cách thức khác nhau như đưa thông tin sai, phiến diện chưa được kiểm chứng, nhắc đi nhắc lại những lỗi sai dù đã bị xử lý... Dưới góc độ Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ người tiêu dùng, ông nhìn nhận hiện tượng này như thế nào?
Ông Lê Hoài Điệp, Cơ quan điều tra Cạnh tranh - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) |
Luật Cạnh tranh điều chỉnh nhiều nhóm hành vi, trong đó có nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Theo quy định tại Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, trong đó có các hành vi sau đây có liên quan:
Thứ nhất, cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Thứ hai, lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức như đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; so sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.
Hiện nay, mạng xã hội trở nên phổ biến đối với người dùng tại Việt Nam. Việc đăng tin, bài, status, hoặc chia sẻ, bình luận trên các trang cá nhân trở nên dễ dàng. Nhiều nội dung đã được kiểm duyệt, tuy nhiên vẫn còn nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt. Do đó, doanh nghiệp hoặc cá nhân khi thực hiện các hành vi cung cấp thông tin cho người tiêu dùng hoặc quảng cáo các sản phẩm dịch vụ của mình cần lưu ý để tránh vi phạm pháp luật cạnh tranh và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Sử dụng truyền thông, nhất là mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá, bán hàng là hoàn toàn hợp pháp và phù hợp với xu hướng chung. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tới thị trường, người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Và đặc biệt có một số cơ quan truyền thông cùng tham gia vào quá trình đưa tin chưa đúng về các sản phẩm sữa. Thưa ông, việc này tác động như thế nào tới thị trường, các doanh nghiệp và người tiêu dùng?
Không chỉ riêng lĩnh vực sữa mà trong bất kỳ lĩnh vực nào, sự cạnh tranh không lành mạnh đều mang lại ảnh hưởng xấu tới thị trường, tới doanh nghiệp làm ăn chân chính và tới người tiêu dùng.
Việc đưa thông tin không đúng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp đó. Các chủ thể tham gia vào quá trình cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác, quyền và lợi ích của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh dù vô tình hay chủ ý đều có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
Nghị định 15/2018/NĐ-CP năm 2018, Nghị định 100/2014/NĐ-CP năm 2014 về quản lý sữa đến nay vẫn bộc lộ nhiều lỗ hổng quản lý đến mức trao đổi với Báo Công Thương, có đại diện cơ quan quản lý cho biết không thể xử lý dấu hiệu sai phạm, cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số doanh nghiệp sữa nước ngoài. Dưới góc độ cơ quan quản lý, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ triển khai những hoạt động gì để ngăn chặn tình trạng trên? Thời gian qua, Ủy ban đã có kiến nghị gì để sửa đổi các Nghị định 100, Nghị định 15 chưa thưa ông?
Thứ nhất, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về cạnh tranh như đã từng phối hợp với Hiệp hội sữa Việt Nam trong thời gian qua nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp sữa các quy định về cạnh tranh không lành mạnh.
Song song đó, xây dựng chính sách tuân thủ đáp ứng không chỉ quy định pháp luật về cạnh tranh mà còn đáp ứng các quy định pháp luật khác điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa, từ đó hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng và hành vi vi phạm quy định pháp luật khác nói chung.
Thứ hai, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tăng cường công tác rà soát, công tác giám sát hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sữa. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm quy đinh pháp luật về cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiến hành xem xét và xử lý theo quy định pháp luật về cạnh tranh.
Thời gian qua có nhiều phản ánh xung quanh việc quảng bá và cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến các doanh nghiệp ngành sữa. Để góp phần làm lành mạnh hoá thị trường sữa gắn với thực thi Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, theo ông cần có những giải pháp gì?
Thời gian tới Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cạnh tranh tới các doanh nghiệp sữa. Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước khác trong công tác giám sát, rà soát dấu hiệu vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước khác để xử lý vi phạm hoặc tự khởi xướng điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý về cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành sữa cần xây dựng chính sách tuân thủ quy định pháp luật đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật về cạnh tranh và quy định pháp luật liên quan khác.
Đối với người tiêu dùng, cần cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin về sản phẩm; tìm hiểu thông tin về sản phẩm qua các kênh thông tin chính thống. Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân, vui lòng phản ánh đến cơ quan quản lý để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Đối với cơ quan truyền thông, cần kiểm tra, rà soát lại nội dung khi đưa tin về sản phẩm, dịch vụ. Xem xét kỹ xem thông tin về sản phẩm đã được kiểm duyệt, kiểm chứng hay chưa tránh tiếp tay cho tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Xin cảm ơn ông!.