Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm gần 19% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại thời điểm cuối năm 2021, có 857.551 doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98%. Còn theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tại thời điểm 31/12/2021, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng là gần 250.000 doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, bằng tính toán sơ bộ có thể thấy, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng (tiếp cận được tín dụng từ các tổ chức tín dụng) chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa, với dư nợ chiếm khoảng 19% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Minh chứng là, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã chủ động tiếp cận doanh nghiệp nhỏ và vừa, triển khai đa dạng các gói sản phẩm, phát triển nhiều dịch vụ ngân hàng như bảo lãnh, tài trợ thương mại, miễn phí dịch vụ thanh toán điện tử, phát triển các ứng dụng ngân hàng dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa,...
Cụ thể, các tổ chức tín dụng đã triển khai một số chương trình tín dụng ưu đãi, với điều kiện vay vốn và lãi suất thấp hơn so với các sản phẩm tín dụng thông thường như: Vietinbank triển khai gói ưu đãi lãi suất SME UP với quy mô đến 10.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm; BIDV triển khai gói cho vay ngắn hạn (từ 1/1-30/4/2023) với quy mô 30.000 tỷ đồng, khách hàng vay vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm; hay Vietcombank triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh với quy mô lên tới 100.000 tỷ đồng với mức sàn lãi suất cho vay chỉ từ 7,5%/năm;
Các ngân hàng thương mại cổ phần như: Bản Việt triển khai chương trình vay ưu đãi sản xuất kinh doanh với hạn mức 1.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 10,5%/năm; MB công bố triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng; VP Bank và ADB ký kết một gói vay vào cuối năm 2022 với giá trị lên tới 500 triệu USD để mở rộng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và các dự án vốn vay xã hội ở Việt Nam...
Các tổ chức tín dụng đã chủ động tiếp cận doanh nghiệp nhỏ và vừa, triển khai đa dạng các gói sản phẩm |
Đáng chú ý, nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng thành công các mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ, tối ưu hóa việc phân tích, đánh giá, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp trước khi ra quyết định cho vay; thành lập riêng bộ phận chuyên quản lý về hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời, cho phép áp dụng đa dạng, linh hoạt các biện pháp về tài sản bảo đảm để tháo gỡ khó khăn về việc thiếu tài sản bảo đảm của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện nay hầu hết các tổ chức tín dụng đã tham gia cho vay đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế.
Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. Theo đó, dư nợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ chiếm 56,29%, công nghiệp và xây dựng chiếm 40,85%. Các ngân hàng thương mại nhà nước đang cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 48,05%, khối ngân hàng thương mại cổ phần cho vay chiếm 47,43%, khối ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính và ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%.
Tiếp tục gỡ khó
Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; đồng thời, kết quả tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn có phản ánh doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
Các nguyên nhân được Ngân hàng Nhà nước chỉ ra là, nguyên nhân khách quan từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước. Cụ thể, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, tác động đến sản xuất kinh doanh nói chung và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Về phía ngành ngân hàng, trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, do đó, không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ |
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để được tiếp cận chính sách ưu tiên trần lãi suất theo quy định.
Hơn hết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, thiếu tài sản bảo đảm, không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn; mặc dù được các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định thông thường nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do bị chuyển nhóm nợ, nên khó tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh; hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong kho không xuất được; bị khách hàng chiếm dụng vốn, công nợ cao.... Trong đó, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro cao khó tiếp cận được vốn vay.
Một nguyên nhân khác là vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp của doanh nghiệp nhỏ và vừa, vướng mắc tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo, công trình trên đất không có giấy phép xây dựng hoặc chưa hoàn công… dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn của doanh nghiệp.
Trước những khó khăn tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước đề ra các giải pháp: Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn; phối hợp với các Bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương.
Đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Đa dạng các hình thức triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhỏ và vừa.