Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020: Khi chính sách đi vào đời sống |
Mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%
Chiều ngày 10/9, tại phiên họp thứ 48, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo thông qua các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020.
Phiên họp thứ 48 của Ủy ban thường vụ Quốc hội |
Kinh phí thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội được Chính phủ giao ổn định để các địa phương chủ động thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ người nghèo nâng cao thu nhập, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin. Tổng các nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là hơn 93.607 tỷ đồng.
Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 3,75% năm 2019 và ước năm 2020 còn khoảng 2,75%, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%; tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo giảm từ 50,43% năm 2015 xuống còn 27,85% năm 2019, ước cuối năm 2020 còn khoảng 24%, trung bình mỗi năm giảm 5,28%. “Các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra. Các bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa bàn nghèo, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt; thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được cải thiện, từng bước tiệm cận chuẩn mức sống tối thiếu. Kết quả giảm nghèo và cách tiếp cận giải quyết vấn đề nghèo đói ở nước ta thời gian qua tiếp tục được các đối tác phát triển, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Có nhiều chủ trương, cách làm mới
Báo cáo thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 76, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, trong 6 năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan, các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều nhiệm vụ được Quốc hội giao, đạt được những kết quả tích cực và đến nay cơ bản hoàn thành phần lớn các nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 76.
Cụ thể, đạt được các mục tiêu về giảm nghèo của cả 2 giai đoạn: Về tỷ lệ hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Công tác rà soát, tích hợp, sửa đổi, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giảm nghèo đã được quan tâm.
Bên cạnh đó, đã bố trí tăng nguồn lực đầu tư và bảo đảm cân đối đủ nguồn lực cho các chính sách giảm nghèo thường xuyên (y tế, giáo dục…) và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều tỉnh, thành phố đã quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương.
Đồng thời, triển khai thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa chính sách giảm nghèo với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Việc kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng bước đầu được thúc đẩy. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ khi tham gia đầu tư tại các địa bàn nghèo, địa bàn khó khăn, đặc biệt một số địa phương ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.
Một số chính sách hỗ trợ cho không dần được bãi bỏ và tăng dần các chính sách hỗ trợ có điều kiện, chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đảm bảo tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; giảm lãi suất cho vay, tăng mức vay và kéo dài thời hạn cho vay đối với một số đối tượng và chương trình. Tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, tạo sinh kế…
Nguồn lực đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được ưu tiên bố trí; từng bước thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ định canh, định cư, ổn định các hộ dân di cư tự do và giao đất, giao rừng cho các hộ dân tộc thiểu số; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số. Phổ cập giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả tích cực, chất lượng giáo dục được nâng cao…
Kết quả thực hiện Nghị quyết 76 đã khẳng định quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước về mục tiêu giảm nghèo bền vững là đúng đắn, hợp lòng dân; có nhiều chủ trương, cách làm mới để huy động xã hội, phát huy mạnh mẽ trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và thu hút sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người nghèo. Đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đặc biệt đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo.
Đến hết năm 2020, Chính phủ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước xuống dưới 3% (năm 2019 là 3,75%); tỷ lệ bình quân hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống dưới 26% (năm 2019 là 27,85%). |