Đổi thay nhờ cơ chế chính sách
Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, chính sách; trong đó có 15 chính sách trực tiếp cho đồng bào DTTS, vùng DTTS và miền núi, 36 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào DTTS.
![]() |
Các chính sách giảm nghèo đã làm thay đổi diện mạo ở Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang) |
Với việc thực hiện các chính sách này, đến nay, gần 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã (chỉ còn 2 xã thuộc huyện Tương Dương, Nghệ An, chưa có đường đến trung tâm xã); 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện, 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ, đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống, 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS trên địa bản giảm nhanh theo từng giai đoạn (trung bình giảm khoảng 3,5 đến 4%/năm).
Các công trình thủy lợi đã góp phần tăng năng lực tưới tiêu, giúp đồng bào có đất canh tác, trồng cấy các loại cây công, nông nghiệp và cây ăn quả, tăng sản lượng lương thực hàng hóa. Hơn thế, nhờ được phổ biến các mô hình sản xuất hiệu quả, được đào tạo về kỹ thuật kết hợp với việc hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, được ưu đãi vay vốn tín dụng ữu đãi phát triển sản xuất... một bộ phận đồng bào các dân tộc đã có những đổi thay tích cực trong cách nghĩ, cách làm.
Cùng với kinh tế có những đổi thay mạnh mẽ, đời sống của đồng bào nay cũng đã có nhiều cải thiện nhờ mạng lưới y tế phát triển, đảm bảo cho đồng bào dân tộc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản; công tác giáo dục và đào tạo nghề có nhiều tiến bộ, góp phần đáng kể vào việc nâng cao mặt bằng dân trí và phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…
Thay đổi tư duy để nâng cao hiệu quả chính sách
Thực tế, việc triển khai công tác giảm nghèo đã được Nhà nước thực hiện từ rất lâu, nhưng giai đoạn 2016 - 2020 là giai đoạn ghi nhận những thay đổi lớn trong việc áp dụng chuẩn nghèo. Cụ thể như, việc xác định hộ nghèo theo 2 tiêu chí là thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (bao gồm 10 chỉ số) – nghèo đa chiều. Mặc dù việc tiếp cận đo lường nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn không ít lúng túng nhưng bước đầu đã giúp cho việc phân loại đối tượng hộ nghèo phù hợp hơn. Căn cứ vào mức độ thiếu hụt về nhà ở, nước sạch, vệ sinh cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ y tế thì vùng đồng bào DTTS, khu vực miền núi theo đó có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn nhiều so với bình quân trung của cả nước (gấp 3 - 4 lần). Dẫn đến nhu cầu về ngân sách, chính sách dành cho công tác giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều cũng đòi hỏi cần được rà soát, bổ sung.
Bên cạnh đó, quan điểm, tư duy về thực hiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đã từng bước thay đổi; từ cơ chế mạnh về áp đặt, chuyển dần sang cơ chế phân cấp mạnh cho địa phương trên cơ sở công khai, minh bạch trong công tác xây dựng và lập kế hoạch. Từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ, chuyển dần sang hỗ trợ cộng đồng, nhóm hộ; từ cho không chuyển sang mô hình cho vay. Các chính sách cũng nhận được sự quan tâm, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, vai trò của người dân được phát huy, tạo được sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương trong các khâu xây dựng, thực hiện và kiểm tra, đánh giá chính sách.
So với năm 2015, những chính sách, chương trình giảm nghèo được triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần không nhỏ tạo nên sự chuyển biến rõ nét trên địa bàn các xã, huyện đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, thành quả từ các chính sách đã và đang tạo động lực để đồng bào đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, chung tay thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…