Cục Quản lý Dược đề nghị Hà Nội tăng cường thanh kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc Bị ngân hàng kiện siết nhà, uống thuốc ngủ suýt chết vì đầu tư theo Shark Thủy |
Theo các chuyên gia y tế, paracetamol (tên gọi khác Acetaminophen) là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình. Paracetamol hầu như không ảnh hưởng đến hệ tim mạch và hô hấp hay gây kích ứng dạ dày như một số loại có cùng tác dụng khác. Tuy nhiên nếu dùng quá liều sẽ gây ngộ độc.
Uống quá liều thuốc Paracetamol dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng lớn tới gan |
Do các biểu hiện ngộ độc paracetamol rất kín đáo, thậm chí vài ngày đầu nếu không xét nghiệm theo dõi không thể biết. Khi được phát hiện thì đã muộn và bệnh nhân bị tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan, tử vong.
Khuyến cáo thông thường: Nếu sử dụng vượt quá 4g/ngày, paracetamol sẽ chuyển hóa theo con đường gây ngộ độc cho gan. Khi dùng quá liều, phần lớn thuốc được hấp thu trong vòng 2 giờ, nồng độ đỉnh đạt được sau uống là 4 giờ. Sử dụng paracetamol quá liều trong thời gian dài có thể gây viêm gan cấp, hủy hoại tế bào gan.
Dược sĩ, Tiến sĩ Phan Quỳnh Lan - Giám đốc khối Dược Hệ thống Y tế Vinmec - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City – đặc biệt lưu ý khi dùng thuốc paracetamol cho trẻ. Theo đó, khi trẻ sốt kéo dài quá 3 ngày, dùng thuốc hạ sốt không có tác dụng hoặc bị dị ứng với thuốc, sốt 40-41 độ thì cần phải đưa trẻ vào bệnh viện để kiểm tra. Phụ huynh nên để thuốc ngoài tầm nhìn và tầm với của trẻ, cất giữ thuốc trong tủ có khóa an toàn.
Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, khi dùng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ, vì một số loại thuốc có thể vào được sữa mẹ gây nên tình trạng ngộ độc cho trẻ bú sữa mẹ.
Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thêm thuốc dùng cho trẻ. Khi sử dụng thuốc cần đọc kỹ thành phần của thuốc để tránh dùng nhiều loại có cùng hoạt chất.
Sử dụng các thiết bị chia liều đi kèm với mỗi loại thuốc, chẳng hạn như một ống nhỏ giọt, cốc, thìa, muỗng... Không được sử dụng các dụng cụ đo lường khác như thìa ăn hàng ngày trong nhà bếp vì có thể sẽ cung cấp sai liều lượng thuốc. Không bao giờ được uống thuốc nước trực tiếp từ chai, lọ thuốc.
Kiểm tra thuốc 3 lần trước khi sử dụng. Đối với bất kỳ loại thuốc nào, thực hành này luôn là cần thiết. Trước tiên, kiểm tra các bao bì bên ngoài xem có còn nguyên vẹn không. Thứ hai, kiểm tra nhãn trên bao bì bên trong để chắc chắn rằng bạn dùng có đúng loại thuốc hay không. Thứ ba, kiểm tra màu sắc, hình dạng, kích thước và mùi vị của thuốc. Khi nhận thấy có bất cứ điều gì bất thường, hãy ngừng dùng sản phẩm thuốc đó.
Lắc lọ thuốc paracetamol dạng lỏng trước khi sử dụng. Viên nén nhai nên được nhai đúng cách trước khi nuốt. Tay cầm phải khô trước khi cầm viên nén tan rã paracetamol.
Khi trẻ có các triệu chứng quá liều paracetamol hoặc có các triệu chứng xấu đi như da đỏ hoặc sưng ở vùng đau, phát ban, nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn thì hãy gọi ngay cho trung tâm cấp cứu 115 hoặc cần chuyển ngay trẻ đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt.
Hiện nay, paracetamol là thuốc không phải kê theo đơn, có nghĩa người dân tự mua ở các hiệu thuốc về chữa các biểu hiện như đau, sốt do các nguyên nhân thông thường hoặc xử trí ban đầu trước khi tới bệnh viện. Tuy nhiên, các bác sĩ lưu ý, mọi người không nên tùy tiện sử dụng paracetamol, nhất là trường hợp sử dụng không theo hướng dẫn chi tiết về liều dùng, sử dụng số lượng nhiều và trong nhiều ngày.
Cách xử trí khi bị ngộ độc thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol: Gây nôn để có thể nôn thuốc vừa mới uống. Uống nước chè đặc, thuốc tẩy muối hoặc than hoạt tính để có thể làm giảm sự hấp thu các chất gây độc đối với gan. Người bệnh cần được chuyển đến các cơ sở y tế nhanh nhất có thể để được xử lý và điều trị sớm. Tại đây, người bệnh có thể được sử dụng thuốc giải độc paracetamol, đánh giá mức độ nặng để có điều trị can thiệp phù hợp. |