Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi buôn bán thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới Xử lý nghiêm buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu |
Không có loại thuốc lá nào an toàn
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền các đề xuất chính sách liên quan đến thuốc lá, góp phần tạo ra môi trường không khói thuốc, phòng, chống các bệnh liên quan đến khói thuốc, sáng ngày 1/8, Báo Pháp Luật Việt Nam tổ chức tọa đàm: “Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá”.
Các đại biểu tham dự tọa đàm |
Thông tin tại tọa đàm, PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn – Trường Đại học Y Hà Nội – cho biết: Thuốc lá mới hiện nay có 2 nhóm chính là thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử, hai loại này vốn khác nhau cả về bản chất nguyên liệu. Hiện nay có nhiều người vẫn nghĩ nicotine là chất gây hại trong thuốc lá, song thực tế trong thuốc lá có khoảng 8.000 hợp chất khác nhau, nếu đốt nóng sẽ có tác nhân gây ung thư cùng nhiều bệnh nguy hiểm khác. Còn nicotine chủ yếu có vai trò gây nghiện khiến cho người hút tiếp tục hút thuốc và chịu tác hại của khói thuốc.
Về bằng chứng giảm tác hại của thuốc lá nung nóng, PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn thông tin: Hiện đã có nhiều nghiên cứu thực nghiệm chứng minh so với thuốc lá thông thường thì thuốc lá nung nóng có thành phần, nồng độ các chất độc hại phổ biến trong khí hơi thấp hơn nhiều lần và có độc tính cơ thể thấp hơn đáng kể song tất cả đều chỉ là những bằng chứng gián tiếp. Chưa có nhiều nghiên cứu đủ lớn, đủ tin cậy và đủ thời gian theo dõi để đánh giá đầy đủ, toàn diện về tác hại lâu dài của thuốc lá nung nóng đối với sức khỏe.
“Song dù như thế nào cũng phải khẳng định, thuốc lá nung nóng vẫn là một loại thuốc lá và không có loại thuốc lá nào an toàn, vô hại đối với sức khỏe”, PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn nêu ý kiến.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, dưới góc độ y khoa, TS.BS. Phạm Tuấn Anh – Trưởng khoa điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K Trung ương – khẳng định: Hút thuốc lá được xác định là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý trong đó đặc biệt là các bệnh về ung thư, tim mạch và hô hấp. Nguyên chính gây ra các bệnh lý của thuốc lá là do độc chất gây ra trong quá trình đốt cháy điếu thuốc để tạo ra khói.
Theo một báo cáo của tổ chức Y tế Thế giới, năm 2010, trên phạm vi toàn cầu, khói thuốc gây ra khoảng 600.000 ca tử vong mỗi năm. Không chỉ tác động tới sức khỏe của người hút và những người xung quanh, thuốc lá còn ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Một nghiên cứu tiến hành năm 2014 dưới sự hỗ trợ của Bộ Tài chính Anh đã chỉ ra tổng thiệt hại của hút thuốc lá đối với xã hội (ở Anh) khoảng 12,9 tỷ bảng Anh mỗi năm, bao gồm chi phí điều trị các bệnh do hút thuốc lá và thiệt hại do suy giảm năng suất lao động vì bệnh tật và tử vong sớm.
Ứng xử thế nào?
TS.BS. Phạm Tuấn Anh chia sẻ: Cần cho các chuyên gia y tế tham gia vào thực tiễn trong việc đánh giá yếu tố tác động, rủi ro lên sức khỏe để từ đó Việt Nam có những dữ liệu thực tiễn về các sản phẩm này.
“Lý tưởng nhất là tất cả mọi người hút thuốc đều cai được thuốc lá. Tuy nhiên, nếu đã xác định người hút thuốc thuộc nhóm đối tượng thứ hai thông qua nguyện vọng người hút thuốc cũng như lịch sử cai thuốc, cần xem xét cho họ giảm tác hại bằng những giải pháp thay thế nicotine bất kể đó là các loại kẹo ngậm, miếng dán hay các sản phẩm thuốc lá không đốt cháy, miễn là họ hợp tác chuyển đổi, ngưng thuốc lá điếu và duy trì thăm khám”, TS.BS Phạm Tuấn Anh khuyến cáo.
PGS.TS.BS Trần Khánh Toàn cho rằng: Về phương diện quản lý, trong thời gian chờ đợi, chúng ta có thể thực hiện các giải pháp, chế tài quản lý thuốc lá nung nóng theo Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá như với các mặt hàng thuốc lá khác. Điều quan trọng là phải bảo đảm kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, mua bán và sử dụng thuốc lá, song song với việc tuyên truyền cho người dân hiểu rõ thuốc lá nung nóng không phải là một sản phẩm thay thế an toàn cho thuốc lá thông thường, mà vẫn là một loại sản phẩm thuốc lá, vẫn có hại cho sức khoẻ và chỉ phù hợp cho những người trưởng thành không thể hay không muốn cai thuốc lá.
Việc chưa cho phép kinh doanh, mua bán và sử dụng thuốc lá nung nóng như hiện nay không chỉ có những vướng mắc về luật, khó khăn trong việc quản lý và cũng không bảo đảm loại trừ được các hành vi mua bán và sử dụng sản phẩm này.
Hiện, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và ngay cả Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đều cho rằng, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với thuốc lá nung nóng. FDA mặc dù đã cho phép một số sản phẩm HTPs được tiếp thị dưới dạng sản phẩm thuốc lá giảm phơi nhiễm nhưng vẫn yêu cầu các sản phẩm này phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về tiếp thị và cảnh báo sức khỏe. WHO cũng khuyến cáo cần có tiếp cận thận trọng trong việc quản lý thuốc lá nung nóng.
Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu, trong đó đều nhấn mạnh, thuốc lá nào cũng đều có hại cho sức khỏe. Song việc cấm hay không cấm cần có hướng tiếp cận phù hợp với điều kiện, thực tế tại Việt Nam và phải thận trọng, có cơ sở pháp lý.
Qua những trao đổi về các khía cạnh khoa học của thuốc lá mới, ban tổ chức cho biết, tọa đàm sẽ ghi nhận những đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan thuốc lá mới, ngăn chặn nạn buôn lậu để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.