Ứng dụng các giải pháp công nghệ vào sản xuất phát huy lợi thế của vùng |
Phát huy lợi thế
Tại Diễn đàn công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định, trong sản xuất nông nghiệp, tiến bộ về KH&CN đang làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, cách thức sản xuất. Qua đó, giúp giảm thiểu công lao động trực tiếp, tiết kiệm vật tư đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm thiểu các tác động bất lợi từ môi trường, giám sát năng suất, chất lượng… Vì vậy, là trung tâm sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất cả nước, ĐBSCL cần đi đầu trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm phát huy lợi thế của vùng.
Về vấn đề này, ông Đào Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ - cho biết, ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước với 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng các loại trái cây; đóng góp 95% lượng gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Kết quả này có được không chỉ nhờ những đặc điểm tự nhiên của ĐBSCL về đất, khí hậu, nguồn nước ngọt dồi dào mà còn nhờ thời gian qua, vùng đã đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Các địa phương, doanh nghiệp trong vùng đã được hỗ trợ ứng dụng KH&CN từ các chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia; chương trình nông thôn, miền núi; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam... Bên cạnh đó, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong vùng đã chủ động nghiên cứu tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và ứng dụng các quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với đặc điểm của vùng, từng bước phát triển những sản phẩm chủ lực có lợi thế, có tính cạnh tranh cao trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế lớn.
Giải quyết thách thức
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và nhà quản lý, hiện nay, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân.
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, ĐBSCL cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ thông minh và các giải pháp công nghệ tự động, công nghệ trên nền tảng IoT. Qua đó, tiến tới làm thay đổi phương thức sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại. “Với vai trò định hướng, hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ KH&CN cam kết sẽ có các hành động cụ thể nhằm hỗ trợ ĐBSCL tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giải quyết các thách thức đang đặt ra của vùng” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Đào Anh Dũng cho biết, cần chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp bảo đảm an ninh lương thực sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đa dạng, quy mô lớn, hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ. Do đó, ĐBSCL cần đẩy mạnh tiếp thu, ứng dụng thành tựu KH&CN của thế giới; phát minh, sáng tạo ra nhiều mô hình mới đặc sắc trong nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, cần chú ý đến ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Các chuyên gia kiến nghị, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL, cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tăng cường liên kết bốn nhà, gồm: Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp và nhà nông. |