Nhiều lợi thế cạnh tranh
Sau khi UK rời khỏi Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – UK (UKVFTA) đã giúp cho quan hệ thương mại tự do song phương giữa hai nước không bị gián đoạn. Theo đó, Hiệp định đã đưa ra rất nhiều biện pháp để có thể khuyến khích phát triển thương mại song phương. Đặc biệt, thuế nhập khẩu UK sẽ được xoá bỏ đến 99,2% trong vòng 6 năm, tạo thuận lợi rất to lớn cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Xuất khẩu rau, quả sang thị trường UK trong năm 2021 tăng 67% so với năm 2020 |
UK cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, được nhập khẩu miễn thuế một số lượng hàng hoá bổ sung vào UK đối với 14 mặt hàng, trong đó có gạo. Bên cạnh đó, 36 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ của UK trong đó những sản phẩm nổi tiếng như cà phê Ban Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc… cũng sẽ mở ra cơ hội cho những sản phẩm này thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Anh.
Với những lợi thế cạnh tranh đang có, Việt Nam đang được hưởng thuế ưu đãi khi đi vào thị trường Anh.
Thực tế, sau gần 1 năm chính thức đi vào thực thi, bất chấp khó khăn do đại dịch, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 vẫn đạt 6,6 tỷ USD, tăng trưởng 17,2% so với năm 2020. Các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, phở ăn liền, bánh bao…, rau, quả Việt Nam đã lên kệ các siêu thị trung và cao cấp của UK. Bà Nguyễn Khánh Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) – cho rằng, chính sự bổ trợ thương mại song phương đã giúp 2 bên tận dụng hiệu quả hiệp định này.
Mặt hàng rau, quả là 1 trong mặt hàng tận dụng khá tốt hiệp định này, khi kim ngạch xuất khẩu rau, quả sang thị trường này tăng 67%. Ông Đinh Cao Khuê – Phó Chủ tịch Hiệp hội rau, quả Việt Nam – chia sẻ, các doanh nghiệp rau, quả đã chuẩn bị tư thế tham gia hội nhập lớn, trong đó xây dựng vùng nguyên liệu; đầu tư máy móc thiết bị hiện đại; tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động ,đặc biệt người nông dân, cung cấp sản phẩm, đảm bảo yêu cầu của các nước nói chung và đặc biệt các yêu cầu khắt khe thị trường UK.
Nhìn ở bình diện rộng hơn tới hầu hết các ngành hàng xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) – cho rằng, UKVFTA là FTA có lợi thế tương đối mạnh so với các FTA khác mà Việt Nam đã thực hiện. Hiệp định UKVFTA có khoảng thời gian chạy đà trong khi các FTA khác không có. 5 tháng trước thời điểm ngày 1/1/2021 khi Hiệp định UKVFTA tạm thời có hiệu lực, hoạt động thương mại Việt Nam-Vương quốc Anh đã được thực hiện theo FTA Việt Nam-EU (EVFTA). Nhờ vậy, DN có thời gian làm quen, cơ quan quản lý nhà nước cũng có thời gian làm quen. Điều này giúp khi UKVFTA được thực thi có đà để chạy tốt hơn.
Không chỉ đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, việc thực thi UKVFTA đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tại Anh. Ông Phạm Trung Kiên - Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Anh (VBUK) - cho biết sau khi UKVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam tại Anh đã được nhiều doanh nghiệp sở tại quan tâm và kết nối hợp tác.
Tận dụng cơ hội, đẩy nhanh xuất khẩu
Mặc dù có nhiều lợi thế cạnh tranh, song hiện nay UK đang rất tích cực đàm phán các FTA với nhiều đối tác trên thế giới, thậm chí phía Anh cũng sẽ đàm phán FTA với một số nước Asean. Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, lợi thế đó sẽ sớm mất đi nếu như UK cũng có FTA với các quốc gia khác. Trong khi đó, UK 1 năm nhập khẩu 600 -700 tỷ USD mà Việt Nam chiếm chưa đầy 1%. Dư địa cho các doanh nghiệp Việt còn rất lớn.
“Các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động nghiên cứu để có thể tận dụng cơ hội do FTA song phương đem lại và từ đó là tăng thị phần của mình vào thị trường Anh.” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khuyến nghị.
Từ ngày 18/3, Chính phủ Anh cũng đã dỡ bỏ mọi quy định hạn chế đi lại quốc tế, ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh – cho rằng, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Anh sẽ phục hồi nhanh sau đại dịch, nhu cầu hàng tiêu dùng tại Anh gia tăng.
Ông Nguyễn Cảnh Cường cũng đưa ra dẫn chứng về mặt hàng gạo. Đây là mặt hàng có tiềm năng lớn tại thị trường Anh nhưng hiện chưa được khai thác triệt để. Trong cả năm 2021, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được 5.000 tấn gạo thơm sang Anh, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu của nhà nhập khẩu Anh và khả năng của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Ngoài ra, lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng sẽ là 1 trong những lĩnh vực quan trọng mà Việt Nam và UK thúc đẩy hợp tác.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để các bộ, ngành căn cứ vào đó thực thi Hiệp định UKVFTA, trong đó có việc hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội.Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội mà UKVFTA mang lại, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cũng nên chủ động, trước hết là chủ động nghiên cứu cả nội dung của UKVFTA; tìm xem đối với doanh nghiệp mình, cơ hội sẽ xuất hiện ở đâu và sau đó cần chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật của UK đối với hàng nhập khẩu.
“Thị trường các nước châu Âu khó tính thì thị trường UK “khó tính của khó tính”, để đạt tiêu chuẩn của hàng nông sản sang UK, trước hết doanh nghiệp cần nắm chắc yêu cầu nhập khẩu của UK., thường xuyên tự xây dựng hình ảnh, sản phẩm của mình, nâng cao dần thương hiệu, từ đó khẳng định vị trí sản phẩm của mình tại thị trường UK.”- bà Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ.