Lãng phí tiền của Nhà nước
Ngày 9/8, theo nguồn tin của Báo Công Thương, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra số 263/KL-TTCP, tại Kết luận này Thanh tra Chính phủ chỉ rõ UBND tỉnh Gia Lai mắc loạt sai phạm về công tác quản lý đầu tư công, gây hủy bỏ, mất vốn hàng trăm tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ phát hiện Gia Lai có nhiều vi phạm về đầu tư công. (Ảnh CTV) |
Cụ thể, đối với công tác lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020, Gia Lai có 311 dự án được lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng số vốn gần 12.000 tỷ đồng.
Do đó, Thanh tra Chính phủ nhận thấy việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, thẩm định nguồn vốn, phê duyệt chủ trương dự án đầu tư và khả năng cân đối vốn thiếu thực tế, vi phạm Điều 97, Luật Đầu tư công 2014… Dẫn đến, gây thiếu hụt kinh phí với số tiền là 333 tỷ đồng, trong đó, phải bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 số tiền 170 tỷ đồng.
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư công, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư một số dự án chưa sát tình hình thực tế, có nguy cơ gây lãng phí nguồn lực, như: Dự án cải tạo trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai xây dựng dự toán không sát nhu cầu sử dụng nên quá trình thực hiện, năm 2017 phải điều chỉnh quy mô làm tăng tổng mức đầu tư từ 25 tỷ đồng lên 43 tỷ đồng, trong đó gây lãng phí chi phí phát sinh thêm với số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Một số dự án (dự án Đầu tư phát triển giống cây trồng - Vật nuôi và khu thực nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ hợp phần I; Dự án Hoàn thiện hạ tầng khu du lịch Biển Hồ...) được UBND tỉnh phê duyệt khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; Dự án kênh tiếp nước Hồ Mnúi, xã Dun, huyện Chư Sê đã chi cho công tác lập, thẩm tra báo cáo kinh tế kỹ thuật, quản lý dự án nhưng không có hạng mục chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là thiếu trách nhiệm, vi phạm khoản 3, Điều 4, Nghị định 32 của Chính phủ, dẫn đến dự án không thể triển khai do khu vực thực hiện dự án chưa được giải phóng mặt bằng, gây lãng phí số tiền gần 300 triệu đồng.
Cá biệt, dự án Thủy lợi Djang huyện K'Bang (25 tỷ đồng), năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư thiếu thực tế, thiếu trách nhiệm, dẫn đến phải dừng thực hiện do khu vực dự án ảnh hưởng đến 4,3 ha rừng phòng hộ.
Tỉnh phê duyệt dự án "quá tay"
Về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, tổng số dự án đã lập, phê duyệt chủ trương đầu tư là 311 dự án.
Thanh tra Chính phủ phát hiện lãnh đạo tỉnh Gia Lai phê duyệt nhiều dự án tùy tiện. (Ảnh: Hồng Phong) |
Thanh tra Chính phủ nhận thấy, việc phân bổ, bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 chậm, thiếu, giao thành nhiều đợt, chưa sát với thực tế. Đặc biệt, tình trạng phê duyệt các dự án đầu tư dàn trải, nên việc triển khai thực hiện vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn, dẫn đến 32 dự án thuộc kế hoạch thi công chậm tiến độ, dở dang, do thiếu vốn nên phải chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn là gần 2.000 tỷ đồng, có nguy cơ gây lãng phí ngân sách Nhà nước do biến động giá nguyên vật liệu, nhân công...
UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc phân bổ, bố trí vốn, để các Chủ đầu tư (Bản quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Ban quản lý dự án các huyện Chư Pưh, Chư Sê, thị xã Ayun Pa,...) không báo cáo tình hình thực hiện, không đánh giá đầu tư trong suốt quá trình thực hiện, vi phạm Nghị định số 84/2015/NĐ-CP của Chính phủ, dẫn đến số vốn trái phiếu Chính phủ bị huỷ bỏ dự toán là hơn 17 tỷ đồng; số vốn ODA không giải ngân hết phải chuyển tiếp sang giai đoạn sau lớn với số tiền 446 tỷ đồng/4 dự án. Số vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương đã được giao, nhưng không giải ngân hết, bị thu hồi là 2.600/6.910 triệu đồng (thuộc trách nhiệm Ban quản lý dự án Trung ương - Bộ Y tế).
Tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn còn thấp, việc giải ngân vốn hàng năm chậm, không đảm bảo theo kế hoạch, dẫn đến phải hủy bỏ dự toán theo kế hoạch đã được phê duyệt hàng năm với tổng số tiền là 254 tỷ đồng.
UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt một số dự án đầu tư vượt quá khả năng thực tế, thiếu tính khả thi, phải điều chuyển vốn nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện (điều chỉnh bổ sung vốn 16 dự án với số tiền 102 tỷ đồng, cắt giảm vốn 47 dự án với số tiền 215 tỷ đồng) là thể hiện sự tùy tiện, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vi phạm Điều 97 Luật Đầu tư công 2014, Nghị định 83/2009 và Nghị định 77/2015 của Chính phủ. Điển hình là Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai giai đoạn 2, năm 2018 được bố trí 51 tỷ đồng cho công tác xây dựng nhưng chỉ giải ngân được 432 triệu đồng, tỷ lệ đạt 0,8% do Ban quản lý dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên - giai đoạn 2 (Bộ Y tế) chưa hoàn thiện thiết kế bản vẽ thi công nên chưa có cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo.
Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm để xảy ra tồn tại, thiếu sót nêu trên thuộc Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, tập thể lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai và trách nhiệm thuộc Bộ Y tế (Trưởng ban; Thứ trưởng phụ trách)...các chủ đầu tư dự án và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ. |