Thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ và tiêu hủy ở Tây Ninh |
Ông có thể cho biết thuốc lá lậu đã ảnh hưởng đến ngành thuốc lá trong nước ra sao?
Trong khi các nhà sản xuất trong nước phải thực thi nghiêm ngặt Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới như in hình cảnh báo trên vỏ bao thuốc, trích nộp Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá… thì thuốc lá lậu tuồn vào Việt Nam không hề bị tác động bởi những quy định này. Khoảng trống pháp lý đó luôn được giới buôn lậu lợi dụng triệt để, nhằm thu lợi cao và cạnh tranh không công bằng với các nhà sản xuất chân chính. Số lượng thuốc lá nhập lậu vẫn không ngừng gia tăng, năm 2013 là 21,9 tỷ điếu, chiếm 20,7% thị phần; năm 2014 chiếm 25% thị phần và tới thời điểm hiện tại của năm 2015 lên tới hơn 1 tỷ bao các loại. Hoạt động buôn lậu thuốc lá được hình thành các đường dây có tổ chức với thủ đoạn ngày càng tinh vi phức tạp.
Với trên 20% thị phần, thuốc lá lậu đã làm thiệt hại 18.000 tấn nguyên liệu/năm, tương đương diện tích trồng 10.000 hecta, làm ảnh hưởng tới 5 triệu công lao động vùng nguyên liệu, 600 nghìn người lao động trong ngành sản xuất thuốc lá, gây thất thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, thuốc lá nhập lậu cũng không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, không có cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, không tuân thủ các quy định về lộ trình giảm tar và nicotin nên đã gây tác hại lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, một số loại thuốc lá nhập lậu từ biên giới Tây Nam có chứa hàm lượng coumarin rất cao, đây là chất nằm trong danh mục chất cấm sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế cũng như nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, thuốc lá nhập lậu còn có độ ẩm cao, rất dễ phát sinh nấm mốc gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Theo ông, đâu là nguyên nhân của vấn nạn thuốc lá lậu hiện nay?
Một là, việc đấu tranh chống thuốc là nhập lậu ở biên giới cũng như trên thị trường trong nước vẫn chưa liên tục, quyết liệt. Nhiều nơi, nhiều lúc, công tác chống thuốc lá lậu bị chùng xuống. Số lượng bắt giữ chỉ chiếm 0,9% trong tổng số gần 1 tỷ bao nhập lậu hàng năm. Hai là, việc xử phạt việc vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu vẫn còn nhẹ, thiếu kiên quyết, khiến cho dân buôn lậu thấy lợi nhuận vẫn ở trước mắt. Ba la, việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá lậu với sức khỏe người dân còn rất hạn chế. Bốn là, việc thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá với các quy định về lộ trình giảm tar và nicotin, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng, làm tăng chi phí sản xuất thuốc lá trong nước đã dẫn đến thuốc lá lậu gia tăng đột biến…
Thuốc lá lậu bị bắt qua đường hàng không |
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã đề xuất những giải pháp gì để hạn chế nạn thuốc lá nhập lậu?
Sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và một số địa phương trọng điểm đã chỉ đạo kiểm tra xử lý quyết liệt, tình trạng buôn lậu thuốc lá đã bước đầu thuyên giảm; nhưng sau đó lại bùng phát với diễn biến phức tạp. Tổng công ty Thuốc lá và Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị số 30; kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, trích 50% Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác tuyên truyền phòng chống thuốc lá nhập lậu.
Để công tác phòng chống thuốc lá lậu thực sự đạt hiệu quả, Chính phủ và các bộ, ngành cần tăng cường lực lượng, kinh phí, phương tiện cho các lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu thuốc lá. Chính phủ, Bộ Tài chính nên giữ nguyên quy định về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, giúp giảm chênh lệch lợi nhuận giữa thuốc lá nhập lậu và thuốc lá sản xuất trong nước. Đặc biệt, công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn, nhất là với những đường dây có tổ chức. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã có văn bản kiến nghị cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thay vì mức 1.500 bao như hiện nay để tăng tính răn đe.
Xin cảm ơn ông!
Ông Chu Tiến Dũng - Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn: Tập trung tuyên truyền về tác hại của thuốc lá lậu Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cần tập trung nhiều hơn cho công tác truyền thông, cảnh báo tác hại của thuốc lá nhập lậu bằng hình ảnh cụ thể, kết quả nghiên cứu khoa học về tác hại của loại thuốc lá này và phải được tuyên truyền liên tục, rộng rãi trong xã hội. Thiết nghĩ, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương quyết liệt trong công tác chống buôn lậu thuốc lá. Địa phương nào để xảy ra tình trạng gia tăng thuốc lá nhập lậu thì sẽ bị kiểm điểm, nhất là các tỉnh có đường biên giới. Mặt khác, các cơ quan chống buôn lậu cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước bạn trong việc chống buôn lậu mặt hàng này. Ông Trịnh Xuân Quang - Phó giám đốc Công ty Thuốc lá Sài Gòn: Khâu bán lẻ cũng cần được siết chặt Từ nhiều năm qua, Công ty Thuốc lá Sài Gòn đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, lực lượng quản lý thị trường, công an thực hiện chống thuốc lá nhập lậu. Sự hợp tác này cũng đã có những kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa đẩy lùi được vấn nạn này. Theo tôi, để chống thuốc lá nhập lậu, ngoài công tác kiểm tra, xử lý được thực thi quyết liệt, khâu bán lẻ cũng cần được kiểm soát chặt hơn, vì “đầu ra” giảm chắc chắn hoạt động nhập lậu sẽ giảm. |