Tuyên truyền bằng pa nô ở xã Lao Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai |
Bất chấp pháp luật
Xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ không chỉ là “điểm nóng” của tỉnh Sơn La về tảo hôn, mà còn là “điểm nóng” của toàn quốc. Nhiều đời nay, đồng bào dân tộc Mông nơi đây vẫn xem chuyện lấy vợ, lấy chồng từ khi 13 - 14 tuổi là… chuyện bình thường. Mấy năm trở lại đây, số cặp đôi lấy nhau ở tuổi 13 - 14 đã giảm hẳn, nhưng các cặp cưới nhau khi chưa đủ 18 tuổi không hiếm.
Giáp với Sơn La, mỗi năm Hòa Bình cũng có từ 400 - 700 cặp đôi tảo hôn, con số này đang tăng nhanh hàng năm. Nếu như năm 2011, số cặp đôi tảo hôn chỉ chiếm 5,8%, thì năm 2015, con số này đã là 11,3%, tập trung ở các huyện Mai Sơn, Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi…
Trong số rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn tảo hôn, có một nguyên nhân được cho là rất quan trọng, đó là các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình. Cụ thể như, cán bộ xã cũng có con tảo hôn. Hay cán bộ xã vẫn tham dự các đám cưới của các cặp đôi tảo hôn – một hình thức hỗ trợ tảo hôn được xem là vi phạm pháp luật. Lý giải cho việc “tiếp tay” cho tảo hôn, các cán bộ này cho rằng, con cái họ không đi học lên cao, sinh sống trong bản, làng thì lấy nhau theo phong tục của đồng bào. Việc cán bộ đi ăn cưới cũng là bình thường, vì các cặp tảo hôn là con, là cháu mình.
Vì nể nang, bao che, chạy theo thành tích, nhiều trưởng bản, cán bộ xã khi được hỏi địa bàn có tảo hôn không, đều quả quyết là “không”, nhưng vào bản hỏi thăm thì không khó để gặp được các cặp đôi có con khi vừa 18, thậm chí chưa đến 18 tuổi.
Rõ ràng, khi những người đứng đầu, sát sao với cơ sở nhất lại có những hành vi như vậy, thì việc xử phạt hành vi tảo hôn đương nhiên là khó thực hiện. Thực tế, các cặp đôi kết hôn khi chưa đủ tuổi vẫn khá nhiều, nhưng sau khi nộp phạt vài trăm nghìn, các cặp đôi này vẫn tiếp tục duy trì quan hệ vợ chồng.
Ðể người dân hiểu rõ tác hại của tảo hôn
Để ngăn chặn tảo hôn, cần sự chung tay của rất nhiều cấp, ngành, thuộc lĩnh vực liên quan đến đời sống của đồng bào. Từ phổ cập giáo dục để các em bé được đi học đầy đủ, đến hỗ trợ phát triển để đồng bào phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh… Tuy nhiên, “xương sống” của các giải pháp này lại nằm ở công tác tuyên truyền. Bởi lẽ, việc tuyên truyền sẽ giúp đồng bào hiểu vì sao phải cho con đi học; trồng cây, nuôi con thế nào cho tốt; cho con cái lấy chồng sớm sẽ khổ như thế nào?...
Với định hướng này, triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2016 - 2020”, một trong những mục tiêu được tỉnh Hòa Bình đặt ra, đó là “Nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong lĩnh vực hôn nhân”. Cụ thể đến năm 2020, phấn đấu 100% cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, cán bộ văn hóa - xã hội được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết; 80% đồng bào được cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan đến hôn nhân, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Mục tiêu thì đã rõ, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Tư – Vụ trưởng Vụ DTTS, chọn cách nào để tuyên truyền rất quan trọng. Bởi nó liên quan đến điều kiện, phong tục tập quán của đồng bào, trong đó có cả khả năng tiếp thu và xử lý thông tin. “28.000 phụ nữ DTTS ở Hà Giang mù chữ, hơn 1.000 phụ nữ mù cả chữ và tiếng phổ thông. Nội dung của chúng ta có hay, có cụ thể, sát thực bao nhiêu nhưng nếu chúng ta dùng tiếng phổ thông để tuyên truyền, chắc chắn sẽ không có hiệu quả gì đối với những người phụ nữ này” – bà Tư nêu ví dụ.
Thực tế này cho thấy, cán bộ làm công tác dân tộc nắm vững thông tin thôi chưa đủ - quan trọng là phải tìm cách truyền đạt cho bà con hiểu. Nói như ông Kso Phước - nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Tuyên truyền phải chạm tới trái tim của đồng bào. Có như thế, đồng bào mới hiểu, mới dần dần ý thức để thay đổi. Để làm được điều này, bên cạnh những nỗ lực của cán bộ làm công tác dân tộc, rất cần cung cấp thông tin, kiến thức và động viên sự tham gia của cán bộ công chức cấp xã, thôn, bản, người có uy tín là đồng bào DTTS. Khi họ tuyên truyền bằng tiếng nói của dân tộc mình, với trách nhiệm gìn giữ sức khỏe, nòi giống của dân tộc mình – thành công chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều.