Liên kết sản xuất nông sản: Nhiều lợi ích |
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện mô hình trồng dưa chuột liên kết bao tiêu sản phẩm, từ 3 ha được trồng thử nghiệm tại huyện Sơn Dương, đến nay diện tích dưa đã phát triển trên hầu khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Phong trào trồng dưa chuột phát triển trong toàn huyện Sơn Dương với diện tích khoảng 60 ha, nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích ruộng 2 vụ lúa sang chuyên canh trồng dưa chuột mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng dưa chuột tại Tuyên Quang |
Đơn cử, năm 2019, gia đình anh Đoàn Văn Nghĩa (thôn Gò Hu, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương) là một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng dưa chuột liên kết bao tiêu sản phẩm. Sau khi được Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương) vận động trồng dưa chuột, hợp tác xã hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm dưa chuột theo giá thị trường, gia đình đã yên tâm canh tác, chuyển đổi mô hình. Được biết, vụ đầu tiên, năng suất dưa chuột đạt hơn 1,1 tấn/sào với giá thu mua 6.000 đồng/kg, thu lãi 5 triệu đồng/sào. Từ đó, gia đình mạnh dạn thầu thêm đất phát triển trồng dưa chuột, và cho thu lãi tăng đáng kể.
Theo ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương), để đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân, hợp tác xã đã xây dựng theo chuỗi liên kết từ nhà nông, hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm. Từ khi có hợp đồng liên kết đến nay hợp tác xã thu mua luôn ổn định ở mức giá thấp nhất là 4.000 đồng/kg. Hợp tác xã cũng cam kết sản phẩm dưa được thu hoạch đến đâu, bao tiêu hết cho bà con đến đó.
Đồng thời, hợp tác xã yêu cầu bà con cam kết sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, do các lô dưa khi đưa vào siêu thị đều được phía đối tác test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo ngưỡng an toàn. Để có đầu ra ổn định, hợp tác xã đã ký hợp đồng lâu dài với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), tiêu thụ 15.000 tấn/năm. Do đó, diện tích vùng dưa phải lên tới 200 ha mới đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu.
Còn tại huyện Chiêm Hóa, từ vụ Đông Xuân 2021 - 2022 Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chiêm Hóa và Hợp tác xã nông nghiệp xanh Kim Bôi, Hòa Bình đã phối hợp triển khai thực hiện mô hình liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột Nhật tại 6 xã trên địa bàn với diện tích 32 ha... Giống cây mới này đưa vào sản xuất, bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Theo ông Hà Doãn Hộ - Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Yên Nguyên (huyện Chiêm Hóa), trải qua nhiều mô hình trình diễn giống cây trồng mới nhưng đều thất bại, từ khi tìm hiểu và thấy được chiến lược kinh doanh hợp lý và lâu dài theo hướng có lợi cho người nông dân nên hợp tác xã ký hợp đồng liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm dưa chuột với Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm đã được 3 năm, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Mô hình liên kết tại huyện Chiêm Hóa đã đạt được những thành công nhất định, thu nhập trung bình đạt từ 150 - 180 triệu đồng/ha (sau khi đã trừ chi phí đầu tư), cao gấp 5 - 6 lần so với trồng cây ngô... |