Đà Nẵng chi 84,26 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích Thành Điện Hải Nhìn lại cuộc chiến tranh vệ quốc tại Đà Nẵng - Mậu Ngọ 1858 |
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng dâng hương tưởng niệm các Nghĩa sỹ đã hi sinh trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 - 1860 |
Đúng 165 năm trước, vào thời điểm này, đêm 31/8/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã có mặt tại cửa biển Đà Nẵng, và chính thức khai hỏa mở màn cuộc chiến tranh xâm lược của phương Tây vào Việt Nam vào rạng sáng 1/9/1858.
Lãnh đạo và nhân dân TP. Đà Nẵng tưởng niệm 165 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp |
Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, với tinh thần bất khuất, kiên trung của quân và dân Đà Nẵng cùng sự chỉ huy tài tình của các tướng Trần Hoằng, Đào Trí, Lê Đình Lý đã kháng cự một cách anh dũng, ngoan cường, thậm chí hy sinh mạng sống. Đặc biệt, khi danh tướng Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức giao nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, cục diện trận chiến đã thay đổi đáng kể. Danh tướng Nguyễn Tri Phương cho thực hiện chiến lược phòng thủ tích cực, chủ trương bao vây, ngăn chặn địch trên sông Hàn, thực hiện “vườn không nhà trống”, lập phòng tuyến Liên Trì, huy động nhân dân sẵn sàng chống giặc, tổ chức phục kích để kiềm chế, không cho địch tiến vào sâu nội địa, bẻ gãy ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của kẻ thù.
Dâng hoa đăng tưởng niệm các anh hùng nghĩa sỹ |
Lâm vào thế bị động, lại thêm phong thổ khí hậu khắc nghiệt, phần lớn quân địch đã chết vì đói, vì bệnh tật. Cuối cùng thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Đà Nẵng sau 18 tháng 22 ngày tham chiến, để lại “một tháp hài cốt chứa hàng ngàn thánh giá” tại bán đảo Sơn Trà. Đây là thắng lợi của quân dân ta trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược, là nét son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
165 năm qua đi, người Đà Nẵng với ý chí “nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, lớp cha trước, lớp con sau đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, đoàn kết, buộc những kẻ thù lớn mạnh phải cúi đầu |
“165 năm trôi qua nhưng sự kiện người Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh Pháp trận đầu đã đi vào tâm thức của hậu thế bằng niềm tự tôn dân tộc. Tiếp bước tiền nhân, nhiều thế hệ người dân Đà Nẵng với ý chí “nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, lớp cha trước, lớp con sau đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, đoàn kết, buộc những kẻ thù lớn mạnh phải cúi đầu”, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ khẳng định và nhấn mạnh "Vinh quang đời đời thuộc về các anh hùng nghĩa sỹ đã hy sinh thân mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân!".
Tại chương trình, các nghi lễ dâng hương khai lễ, rước đuốc, dâng hoa đăng tưởng niệm các anh hùng nghĩa sỹ; đọc văn tế nghĩa sỹ diễn ra trong không khí trang nghiêm, xúc động.
Triển lãm “Đà Nẵng buổi đầu kháng Pháp – Tây Ban Nha – Di sản với thời gian” giới thiệu đến công chúng khoảng 100 ảnh tư liệu liên quan đến sự kiện Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860) |
Trước đó, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 165 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp, sáng 31/8, UBND quận Cẩm Lệ phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức khai mạc triển lãm “Đà Nẵng buổi đầu kháng Pháp – Tây Ban Nha – Di sản với thời gian”. Tại triển lãm đã giới thiệu đến công chúng khoảng 100 ảnh tư liệu nhằm ôn lại quá khứ hào hùng của nhân dân ta cũng như tôn vinh giá trị của các di sản liên quan đến sự kiện Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 - 1860). Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 6/9.
Một tư liệu trong triển lãm ảnh |
Ngoài ra, từ ngày 25/8 – 22/9, Bảo tàng Đà Nẵng còn tổ chức nhiều sự kiện kỷ niệm khác như cuộc thi “chân trần, chí thép”; tọa đàm khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858 – 1860); chương trình “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Khát vọng non sông: Danh tướng Nguyễn Tri Phương”; các hoạt động giáo dục chuyên đề “Đà Nẵng mở đầu mặt trận chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Bảo tàng Đà Nẵng.