TP. Đà Nẵng chi gần 84,26 tỷ đồng tôn tạo di tích lịch sử
Ngày 6/5, ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2)”.
TP. Đà Nẵng sẽ chi gần 84,26 tỷ đồng để tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích Thành Điện Hải - Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam |
Công trình thuộc dự án nhóm B, công trình dân dụng cấp 2, do Sở Văn hóa - Thể thao TP. Đà Nẵng làm chủ đầu tư.
Dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2) được đầu tư xây dựng trong phạm vi khuôn viên di tích Thành Điện Hải với tổng diện tích 26.519m2 gồm các hạng mục như hạ giá, tháo gỡ, di dời các thành phần, công trình không phù hợp; thám sát khảo cổ học; phục dựng cổng thành phía Đông; xây dựng cầu phía cổng Tây theo hướng thích nghi; phục dựng Kỳ đài; sắp đặt, bảo quản và bổ sung các khẩu súng thần công; phục dựng nhà để súng; làm sạch tượng đường danh tướng Nguyễn Tri Phương;… cùng tôn tạo hệ thống cảnh quan, xây dựng hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, phòng cháy chữa cháy,…).
Đáng chú ý, nhà trưng bày các hiện vật liên quan đến di tích Thành Điện Hải sẽ được xây dựng ngầm toàn bộ dưới lòng đất. Gồm các hạng mục phòng trưng bày chính, phòng trải nghiệm thực tế ảo 3D, phòng làm việc, phòng kỹ thuật phục vụ âm thanh, ánh sáng; khu vệ sinh; giao thông lên xuống; với tổng diện tích 453,8m2. Theo UBND TP. Đà Nẵng, việc xây dựng chìm dưới lòng đất cùng với quy mô công trình nhỏ sẽ không cản trở tầm nhìn bao quát chung toàn bộ tổng thể khu di tích và cũng khả thi trong thực hiện.
Trong nhà trưng bày sẽ trưng bày, trình diễn, mô phòng di tích Thành Điện Hải bao gồm 3 thành phần chính: Trưng bày tư liệu, hiện vật lịch sử, tài liệu, bản đồ… liên quan đến lịch sử, quá trình hình thành di tích Thành Điện Hải; hệ thống trình diễn sa bàn 3D về lịch sử, địa thế Thành Điện Hải; khu vực chiếu phim 3D về lịch sử hình thành kiến trúc Thành Điện Hải.
Việc tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2) sẽ giúp kết nối không gian đô thị hiện đại với không gian di sản trở thành một điểm đến lịch sử, du lịch hấp dẫn của TP. Đà Nẵng |
Kết nối không gian di sản, ghi lại chiến tích oai hùng của lịch sử
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, việc lãnh đạo TP. Đà Nẵng phê duyệt triển khai dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích Thành Điện Hải là việc vô cùng ý nghĩa. Đây là một công trình kiến trúc cổ hệ thống phòng thủ của triều đình nhà Nguyễn còn lại duy nhất ở Việt Nam.
“Một hệ thống thành phòng thủ được xây dựng hơn 200 năm được tôn tạo phụng lại trong một đô thị hiện đại được kết nối thành một không gian di sản gắn với 1 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải sẽ ghi lại câu chuyện lịch sử anh hùng của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống Liên quân pháp - Tây Ban Nha (1858-1860)”, ông Thiện nhấn mạnh.
Ông Thiện cho biết thêm, các hạng mục tôn tạo sẽ tái hiện lại các công trình bên trong Thành Điện Hải được xây dựng dưới triều vua Minh Mạng. “Đặc biệt, nhà trưng bày ngầm dưới lòng đất sẽ trở thành “Bảo tàng sự kiện 1858” kết hợp với sa bàn diễn biến trận chiến và phim 3D tái hiện tại trận chiến buổi đầu đánh Pháp giúp người xem như sống lại trong cuộc chiến tranh kháng Pháp 1858”, ông Thiện nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP. Đà Nẵng, di tích Thành Điện Hải là di tích quốc gia đặc biệt đã được công nhận, có giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt quan trọng. Việc thực hiện dự án nhằm bảo tồn tối đa các thành phần, dấu vết cấu thành di tích gốc, tái tạo một phần không gian cảnh quan và thành phần kiến trúc gốc trong khu vực thành nội. Bổ sung một số thành phần kiến trúc mới nhằm làm rõ hơn giá trị gốc của di tích, tôn vinh và phát huy giá trị của di tích trong cuộc sống hiện nay.
Di tích Thành Điện Hải gắn với danh tướng Nguyễn Tri Phương là minh chứng lịch sử về tinh thần yêu nước của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong giai đoạn đầu chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược |
“Thành Điện Hải và Bảo tàng Đà Nẵng là 2 thành phần quan trọng trong quảng trường trung tâm TP. Đà Nẵng kết nối công trình văn hóa di tích công cộng với các hạng mục dân sinh đô thị của quảng trường tạo thành điểm đến đa dạng, hấp dẫn vừa phục vụ khách tham quan du lịch, vừa lưu giữ giá trị lịch sử văn hóa của TP. Đà Nẵng”, ông Hà Vỹ chia sẻ.