Rộn ràng những phiên chợ Tết |
Phiên chợ ngày Tết ở quê tôi có lẽ cùng với hàng quà, bánh, thực phẩm, quần áo thì hàng bán muối, bán dầu hỏa cũng được nhiều người tìm đến. Tuy nhiên ngày nay với sự phát triển của nền kinh tế, không mấy ai còn đi chợ ngày tết để mua dầu hỏa, mua muối như trước nữa.
Câu “thần chú” “Đầu năm mua muối, cuối năm mua dầu” của mẹ tôi vào mỗi dịp đi chợ phiên cuối năm luôn làm tôi nhớ về một thời bao cấp đầy khó khăn, gian khổ. Thời thơ bé đó tôi chỉ chờ đếnTết để được cùng mẹ dẫn đến hàng quà vặt, ngồi ăn bánh rán và chờ mẹ chạy đi xếp hàng mua dầu hỏa và muối.
Phiên chợ Tết giờ người mua muối đã không còn nhiều |
Tôi thường hỏi mẹ vì sao đầu năm phải mua muối và cuối năm phải mua dầu, mẹ thường nói đó là tập tục xa xưa các cụ truyền lại với mong muốn sang một năm mới gia đình sẽ làm ăn phát đạt, đủ đầy và hạnh phúc.
Năm nay làm năm thứ 20 tôi về quê chồng ăn tết cũng là nơi tôi sinh ra - Phủ Lạng Thương ( Lạng Giang, Bắc Giang ngày nay), cũng không nằm ngoài xu thế phát triển và hội nhập của đất nước, Lạng Giang giờ ngày càng hiện đại, sầm uất và đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và đủ đầy. Tuy nhiên những nét truyền thống vốn có trong ngày tết vẫn được người dân nơi đây duy trì.
Mẹ chồng tôi nay đã ngoài 80, có lẽ lớp trẻ bây giờ đi chợ Tết chỉ để dạo chơi mua sắm và trang trí nhà cửa, còn việc mua dầu, mua muối chỉ có các cụ già còn nhớ đến.
Mẹ chồng tôi bảo, mua muối là mong muốn cầu bình an, đem tài lộc về cho gia đình. Vào ngày đầu tiên của năm mới, sau thời khắc Giao thừa, nhiều người có thói quen mua một gói muối để rước may mắn, tài lộc và sự ấm no cho cả năm.
Theo thời gian, tục mua muối đầu năm cũng có những biến đổi. Muối được đong vào các túi nhỏ có màu đỏ - màu của vận may. Kèm theo đó là một bao diêm hoặc cái bật lửa – tượng trưng cho sự đầm ấm, hòa hợp.
Muối và gạo luôn là những lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng gia tiên và thần linh được mẹ chồng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng |
“Ngày xưa, mỗi dịp gần tết, nhiều người đi bán muối rong qua khắp nẻo đường làng, với tiếng rao hết sức trong trẻo, hoặc họ gánh theo thúng muối bán ngay đầu làng, cổng đình, chùa, nghè của làng”, mẹ chồng tôi kể.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Hoàng Anh Sướng, theo quan niệm, người ta gọi muối bán trong ngày đầu năm là “muối lộc”. Muối là thứ mặn, xua tà khí, loại bỏ xú uế. Mua muối đầu năm cũng có mang ý nghĩa trong văn hóa tình cảm. Nó thể hiện sự mặn mà, hài hòa trong các mối quan hệ giữa vợ chồng, con cái.
Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân vùng đồng bằng phía Bắc, muối có một vị trí rất quan trọng, chỉ đứng sau gạo. Bát muối khi mua sẽ được đong đầy đến tận ngọn chứ không gại ngang miệng bát.
Do đó, trong tục thờ cúng thần linh của người Việt đặc biệt người vùng Đồng bằng Bắc Bộ thì luôn có muối và gạo đi kèm.
Còn “cuối năm mua dầu” lại mang ý nghĩa khác, ngày trước đèn dầu là vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt của con người và cũng là biểu hiện cho những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Cùng với đó, trong văn hóa thờ cúng tâm linh, đèn dầu là một vật dụng quan trọng không thể thiếu được do vậy dầu thắp không thể thiếu dịp cuối năm- đây cũng là dịp để con cháu, gia đình thắp hương tưởng nhớ đến tổ tiên.
Thêm vào đó, dầu hỏa tượng trưng cho Lửa- đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất với cuộc sống của con người. Nó vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa mang ý nghĩa phong thủy.
Về mặt đời sống tâm linh của người Việt, lửa có ý nghĩa như là cầu nối giữa thế giới người sống và thế giới người chết. Điều này được thể hiện rất rõ nét trong nghi thức dâng hương (thắp hương, đốt hương) của người Việt. Người Việt tin rằng, nén hương khi đốt lên như là một nhịp cầu vô hình kết nối hai thế giới hữu hình và vô hình với nhau.
Theo phong thủy, sử dụng ngọn đèn dầu còn coi như pháp khí bảo vệ, ngăn không cho các năng lượng xấu xâm nhập, và xua đuổi tà ma, bùa chú,… giúp cho những vong linh được thờ (thần thánh, gia tiên) không bị quấy phá hay ngăn cản không thể ngự được. Điều này sẽ giúp cho gia chủ được phù hộ và được hưởng nhiều tài lộc.
Đặc biệt, theo Ngũ hành tương sinh, trên bàn thờ của mỗi gia đình cần phải đảm bảo luôn luôn hội tụ đủ 5 yếu tố: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Dầu hỏa dùng để thắp đèn đại diện cho yếu tố Hỏa nó sẽ đảm bảo cân bằng đủ 5 yếu tố ngũ hành. Điều này sẽ giúp cho gia chủ nhận được nhiều phúc lộc, bình an, thuận hòa, không khí gia đình luôn hạnh phúc.
Giờ đây mua dầu hỏa vào phiên chợ Tết chỉ còn người già là nhớ đến |
Mặc dù phiên chợ Tết cuối năm quê tôi ngày càng đông đúc hơn, tuy nhiên mỗi năm những cụ già dừng chân ở hàng bán dầu hỏa, bán muối ngày càng ít đi. Có lẽ đúng như mẹ chồng tôi nói “Giờ chẳng còn mấy ai thắp đèn dầu dù chỉ là đèn thờ, còn muối bây giờ cũng ít sử dụng hơn xưa vì đã có những loại gia vị tiện lợi thay thế”.