Bước lên chuyến tàu điện tới Chợ tết Hà Thành |
Không gian chợ hoa trong lòng phố cổ
Trong tâm trí của người Hà Nội, phiên chợ hoa ngày Tết không phải ở Quảng An, Quảng Bá hay Hàng Đậu… mà là chợ hoa Hàng Lược. Chợ hoa Hàng Lược chỉ họp đúng một phiên duy nhất từ ngày 23 tháng Chạp đến sát thời khắc giao thừa và càng gần Tết thì càng đông.
Người Hà Nội có “thú vui” đi chợ hoa thường ngắm nhiều hơn mua. Có khi cả tuần họp chợ ngày nào cũng đi ngắm để đến hôm 30 mới chọn được cành hoa. Đến đây, người ta được thoả thích ngắm hoa hoặc cảm nhận một nét văn hóa Tết đặc sắc ở mảnh đất ngàn năm văn hiến… Thế nên, có lẽ chỉ có người Hà Nội mới nói “đi chơi chợ hoa” mà không phải là “đi chợ mua hoa” như nhiều nơi khác.
Chợ hoa Hàng Lược họp từ ngày 23 tháng Chạp đến sát thời khắc giao thừa |
Năm nay do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, chợ vắng hơn thường lệ. Những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022, khách đông dần mang lại sự sôi động cho khu phố cổ. Dạo một vòng chợ hoa, sắc trắng của mai, sắc cam của quất, sắc hồng của đào như tạo nên một bức tranh ngập tràn màu sắc. Người dân từ khắp các vùng trồng hoa mang đào, quất và đủ các chủng loại hoa Tết về họp chợ, tạo nên một không gian náo nhiệt mang đậm không khí Tết của Hà thành. Có lẽ vì nằm giữa 36 phố phường nên những người bán hoa cũng lựa hàng kỹ lưỡng hơn. Những bông hoa tươi nhất, đẹp nhất đều góp mặt tại đây.
Đã gắn bó hơn 10 năm với phiên chợ hoa Tết Hàng Lược, ông Trần Văn Tưởng, Đông Hưng, Thái Bình hào hứng chia sẻ: Năm nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên lượng hoa mang đến chợ cũng ít hơn nhưng bù lại hoa đào năm nay rất đẹp, đúng độ để người dân kịp chơi Tết, đón xuân. “Sự tươi tắn của những bông hoa như niềm hy vọng vào một năm mới bình an, đủ đầy” - ông Tưởng nói.
Người Hà Nội có “thú vui” đi chơi chợ hoa |
Mặc dù bây giờ mọi người có thể mua hoa, đào, quất ở nhiều nơi khác nhau, nhưng nhiều gia đình Hà Nội vẫn giữ thói quen tới Hàng Lược trong phiên chợ hoa ngày Tết để mua sắm, thưởng thức không khí, vẻ đẹp của chợ hoa. Người đi mua, người đi xem ai cũng mong mang được không khí Tết về nhà. Năm đầu tiên thay mẹ đi chợ sắm hoa về chơi Tết, chị Hoàng Linh Chi, Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, mặc dù dịch bệnh, chợ hoa vắng hơn mọi năm nhưng “mọi thức” đều rất tươi mới, như tiếp thêm sức sống mới cho mọi người. Hy vọng sang năm mới, dịch bệnh được đẩy lùi, người thân bình an, khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, đó là viên mãn.
Cháo Cói - món quà Tết đặc biệt
Khi nàng xuân đang dạo gót trở về, người người đều vội vã hoàn thành các công việc cuối năm để chào đón một mùa xuân mới. Cùng với “bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, ký ức về phiên chợ tất niên ngày 25 tháng Chạp ở thôn Dục Nội, xã Việt Hùng, Đông Anh, Hà Nội dường như là những hoài niệm rất khó quên của biết bao người.
Thôn Dục Nội (tên nôm làng Dộc) là một vùng đất cổ nằm ở phía bắc kinh thành Cổ Loa, cách trung tâm Hà Nội 25 km về phía Bắc. Chính vì vậy mà khi nhắc tới chợ của thôn Dục Nội ở Đông Anh ai ai cũng biết.
Phiên chợ Tết làng Dộc mang cái hồn của một phiên chợ quê đậm đà mà cũng không kém phần ồn ào náo nhiệt |
Chính phiên, chợ Dộc bán đầy đủ các mặt hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán như câu đối, hoa quả, lá dong, thực phẩm ngày Tết... Phiên chợ Tết mang cái hồn của một phiên chợ quê đậm đà mà cũng không kém phần ồn ào náo nhiệt. Ở đây, người mua cũng cố mua và người bán cũng cố bán cho bằng được. Người bán thường rất xởi lởi, không tính đến chuyện đắt rẻ, vì chủ yếu là người trong làng xã với nhau, hơn nữa cũng mong bán hết hàng cho có lộc đầu năm.
Sinh ra và lơn lên ở Dục Nội, hơn 40 năm nay chị Công Thị Song không dấu được niềm vui, sự phấn khởi với phiên chợ hai nhăm mỗi năm. Chị Song chia sẻ, mọi năm không có dịch bệnh chợ ken kín người, trẻ con phấn khởi đi chơi chợ Tết từ sáng sớm. Năm nay vì phòng dịch mà nhiều hoạt động vui chơi bị hạn chế, các gian hàng bán cháo Cói cũng ít hơn nhưng người lớn đi chơi chợ vẫn có gói quà đem về cho trẻ.
Chợ tết từ xưa đến nay không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là nơi tụ hội những nét văn hóa truyền thống. Người đi chợ Tết ở Dục Nội không chỉ để mua lá dong, mua thịt, mua hành để về gói bánh chưng mà họ còn tâm niệm đã ra tới chợ Dộc thì phải ăn quà… đặc biệt là đặc sản cháo Cói.
Tại phiên chợ Tết làng Dộc, người bán, người mua thường rất xởi lởi, không tính đến chuyện đắt rẻ |
Người làng Dộc kể, cháo Cói xưa kia là món ăn cứu tế người nghèo do một người đàn bà làng Cói làm và trở thành một món ăn phổ biến ở Việt Hùng. Đến ngày nay là một đặc sản mà chỉ Dục Nội mới có. Cháo Cói được làm từ bột gạo nếp xay nhuyễn, do vậy, món ăn rất mịn. Cháo Cói ngày nay thường được ăn với ruốc lợn xé nhỏ. Mùi thơm và sự đặc quyện của bột gạo làng quê cộng với vị ngọt của thịt lợn và gia vị tạo nên hương vị ngọt đậm trong cổ họng gây thương nhớ đối với người đã từng thưởng thức.
Cô Nguyễn Thanh Hoa người xã Việt Hùng tâm sự, vì là đặc sản gây thương nhớ nên năm nào cũng đi chợ Tết cũng cùng các con cũng đến chợ thưởng thức. Thiếu thức quà này thì thiếu hương vị của phiên chợ Tết cuối năm.
Chợ Tết ở mỗi nơi đều có những nét đặc trưng riêng biệt. Nét văn hóa ấy có thể ẩn trong phương cách đi chợ, có thể ẩn trong hàng hóa, trong tâm thức người đến chợ. Dù hòa mình trong nhịp sống số, đủ đầy với những phiên chợ Tết online, nhiều người vẫn da diết nhớ hình ảnh phiên chợ Tết xưa đẹp như thơ trong bài thơ "Chợ Tết" của thi sĩ Đoàn Văn Cừ: "Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam, ôm ấp nóc nhà gianh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết"…