Vụ việc “nữ hoàng nội y” Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh) bị Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam ngày 19/10 vì tội Gây rối trật tự công cộng khiến dư luận xã hội dậy sóng. Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, Trần Thị Ngọc Trinh là chủ tài khoản Tiktok với 6,8 triệu người theo dõi, Facebook hơn 3,1 triệu người theo dõi cùng trang Fanpage Ngọc Trinh có đến 5,9 triệu người theo dõi.
Trước đó, Ngọc Trinh đã đăng tải 5 video có nội dung liên quan đến hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn không có giấy phép lái xe với các động tác phản cảm, nguy hiểm. Sau khi Ngọc Trinh “up” lên, không gian mạng đã ngay lập tức “nóng” với gần 1.000 bài viết đăng trên các website và diễn đàn mạng xã hội và hơn 3.000 video liên quan trên YouTube.
"Nữ hoàng nội y” Trần Thị Ngọc Trinh bị Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam ngày 19/10 vì tội Gây rối trật tự công cộng |
Với một người nổi tiếng được đông đảo người chú ý theo dõi như Ngọc Trinh thì một hành vi nhỏ cũng sẽ tác động rất lớn đến công chúng. Chính vì vậy, dư luận đồng tình với quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Hành vi của cô gây ảnh hưởng xấu đến vấn đề an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ.
Đầu tháng 10/2023, TAND TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử và tuyên án bị cáo Nguyễn Phương Hằng - Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam mức án 4 năm tù về về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2 điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Suốt một thời gian dài trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của cá nhân, cùng với sự giúp sức của 3 đồng phạm (trong đó có cả tiến sĩ, giảng viên trường đại học) liên tục tổ chức các buổi "livestream" với nhiều chủ đề, nội dung với lời lẽ dung tục, chưa được kiểm chứng về chuyện bí mật đời tư, cuộc sống riêng của nhiều người làm ảnh hưởng đến uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội.
Thời gian gần đây nhiều người giàu có, nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ và các facebooker thay vì đóng góp cho xã hội, đất nước bằng năng lượng tích cực thì họ lại có nhiều phát ngôn và hành vi lệch chuẩn trên mạng xã hội, gây nhiều hệ luỵ tiêu cực đặc biệt là giới trẻ.
Trước trường hợp của Trần Thị Ngọc Trinh, Nguyễn Phương Hằng, chúng ta còn thấy rất nhiều những “giang hồ mạng” với hành vi lệch chuẩn, đôi khi lại được cổ xuý, tung hô trên mạng xã hội, như Khá Bảnh (Ngô Bá Khá), “Thánh chửi” Dương Minh Tuyền; Huấn “hoa hồng” (Bùi Xuân Huấn)...
Từ câu chuyện của Trần Thị Ngọc Trinh, Nguyễn Phương Hằng cùng một loạt những “giang hồ mạng” đang nổi đình đám phải dính vòng lao lý cho thấy đã đến lúc cần các giải pháp mạnh để "làm sạch" môi trường không gian mạng. Các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn trong việc quản lý, xử phạt nghiêm khắc những hoạt động thiếu văn hóa; ứng xử, phát ngôn, bình luận, nhận xét bất chấp các quy định của pháp luật...
Không ai có quyền đứng trên luật pháp. Thượng tôn pháp luật không chỉ trong đời sống thực mà cả trên không gian mạng. Vì mạng rất ảo nhưng hậu quả lại rất thật.