Nằm trên xe “biểu diễn” và không có bằng lái, người mẫu Ngọc Trinh bị lập biên bản |
Vì sao nữ hoàng nội y Ngọc Trinh bị khởi tố, bắt tạm giam? |
Ngày 19/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu, diễn viên Ngọc Trinh, 34 tuổi) về tội Gây rối trật tự công cộng. Liên quan đến vụ án này, Trần Xuân Đông (36 tuổi, thầy dạy lái xe của Ngọc Trinh) bị khởi tố về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và Gây rối trật tự công cộng.
Cơ quan điều tra xác định, nữ hoàng nội y Ngọc Trinh chưa có bằng lái xe A2, nhưng vẫn cùng Trần Xuân Đông tổ chức, thực hiện hành vi điều khiển mô tô phân khối lớn với các động tác lái xe nguy hiểm, phản cảm. Hai người này còn cho tổ chức quay phim, biên tập lại rồi đăng các clip này lên các tài khoản mạng xã hội có số lượng người theo dõi lớn gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng.
Ngọc Trinh và Xuân Đông thực hiện hành vi điều khiển mô tô phân khối lớn với các động tác lái xe nguy hiểm, phản cảm |
Trao đổi với Báo Công Thương, luật sư Lương Quang Tuấn - Trưởng Văn phòng Luật sư An Thái cho biết, tội Gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo luật sư Tuấn, khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, nếu phạm tội có tổ chức, xúi giục người khác phạm tội, dùng hung khí, tái phạm nguy hiểm, hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng, thì bị phạt từ 2 năm đến 7 năm tù. Như vậy, tùy vào mức độ vi phạm mà người phạm tội có thể bị xử lý hình sự với từng khung hình phạt khác nhau và cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.
Tuy nhiên, theo luật sư Lương Quang Tuấn, việc đưa ra mức hình phạt đối với hành vi Gây rối trật tự công cộng, thì cần căn cứ vào mức độ ảnh hưởng của hành vi này đến đâu.
Về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, căn cứ theo điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Nếu người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng… thì bị phạt tù từ 2 - 5 năm.
“Những hành vi xấu như trên cần gạt bỏ ngay khỏi xã hội, việc này rất dễ ảnh hưởng đến thanh thiếu niên, đặc biệt học sinh, sinh viên. Vì thế, cần xử lý đúng người đúng tội và mang tính giáo dục, răn đe là chủ yếu. Đối với người cầm đầu cần phải xử lý thật nghiêm minh”, luật sư Lương Quang Tuấn bày tỏ quan điểm.