Thái Bình: 28 học sinh tiểu học bị ngộ độc sau bữa tiệc liên hoan Tết Trung thu tại lớp Phát hiện vi khuẩn Salmonella trong vụ ngộ độc thực phẩm đêm Trung thu |
Thời gian vừa qua, liên tiếp nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra ở một số địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cộng đồng khiến dư luận lo lắng. Đáng nói, tình trạng ngộ độc và nhiễm độc thực phẩm đang ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mới đây, thông tin về vụ ngộ độc thực phẩm sau tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights, TP. Thủ Đức, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến phức tạp, khả năng cao là do bánh su kem đã bị nhiễm khuẩn. Hiện 17 người còn nằm viện vì ngộ độc sau ăn bánh.
Các chuyên gia đánh giá, đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến có phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp trước đây, thường xảy ra tại các trường học (nhà trẻ, mẫu giáo…).
Từ vụ ngộ độc sau tiệc Trung thu ở TP. Hồ Chí Minh: Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Ảnh minh họa |
Cũng theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, điều quan trọng là ghi nhận có những trường hợp không dự tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights nhưng vẫn bị ngộ độc. Những người này có cùng triệu chứng sau khi ăn bánh su kem có cùng nhãn hiệu, cùng địa chỉ nơi mua bánh. Nhiều chuyên gia nhận định, như vậy, loại trừ khả năng bánh su kem mới bị nhiễm khuẩn tại nơi tổ chức tiệc Trung thu, mà đã bị nhiễm khuẩn trước đó.
Từ hàng loạt vụ việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, các chuyên gia chỉ ra một trong những nguyên nhân chính là do quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm không bảo đảm. Nhất là trong bối cảnh, rất nhiều nhà hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không tuân thủ đúng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, không giữ vệ sinh và an toàn trong quá trình sản xuất và bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khác như việc sử dụng thuốc trừ sâu không đúng cách, chất bảo quản cấm, nguồn nước không bảo đảm vệ sinh...
Ở đâu đó vẫn còn những cơ sở sản xuất, kinh doanh dù biết rõ sản phẩm không bảo đảm về chất lượng nhưng vì lợi nhuận đã bất chấp tất cả để tìm cách đưa đến tay người tiêu dùng thực phẩm bẩn, gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm làm nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
Trước tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp mang tính đồng bộ, toàn diện và quyết liệt; đẩy mạnh, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp giữa các cơ quan liên ngành; giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cần nâng cao đạo đức kinh doanh, thực hiện tốt quy định của pháp luật trong kinh doanh, chế biến thực phẩm...
Với người dân, cần trang bị những kiến thức về vấn đề an toàn thực phẩm, chủ động lựa chọn những sản phẩm thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng để bảo đảm sức khỏe của mình và người thân.