Vụ việc nữ nhân viên tại Samsung Thái Nguyên bị kẻ xấu đánh cắp thông tin, hình ảnh, rồi cắt ghép tung tin giả lên mạng xã hội đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Nạn nhân hiện đang chịu áp lực nặng nề từ các tin đồn thất thiệt và hình ảnh đồi trụy bị gán ghép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Đáng nói, sau khi Công an tỉnh Thái Nguyên ra quyết định xử phạt hành chính một phụ nữ tại TP. Thái Nguyên về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, nạn nhân vẫn tiếp tục bị kẻ xấu tấn công tinh thần qua điện thoại và mạng xã hội.
Từ vụ hoang tin “nữ nhân viên nhiễm HIV lây cho nhiều người” này, các nạn nhân cần ngăn chặn và ứng phó với tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội như thế nào?
Nạn nhân được pháp luật bảo vệ
Trao đổi với PV Báo Công Thương ngày 30/7, chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn cho biết, từ việc theo dõi thông tin vụ việc trên truyền thông, báo chí và mạng xã hội, rõ ràng đây là một thông tin thất thiệt có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Vì vậy, nạn nhân trong vụ việc này được pháp luật bảo vệ.
“Trước hết, cô gái phải thở phào nhẹ nhõm vì ít nhất đã phát hiện, xác thực đó là thông tin giả mạo và các cơ quan bảo vệ pháp luật đang vào cuộc điều tra, làm rõ. Điều quan trọng nữa, trong sự việc này cô gái phải bình tâm, vì cây ngay không sợ chết đứng. Thứ nữa, điều chắc chắn là cô gái phải chống đỡ với bão tố từ tất cả các cuộc điện thoại, tin nhắn và mạng xã hội sẽ hướng trực diện vào mình”, chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn nhìn nhận.
Công an tỉnh Thái Nguyên đang truy vết về nguồn tin phát tán thông tin sai sự thật trong vụ “nữ nhân viên Samsung nhiễm HIV lây cho nhiều người”. |
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia nổi tiếng trong chương trình “Cửa sổ tình yêu”, để thích ứng với sóng gió lúc này, tất cả các cuộc điện thoại, tin nhắn “tấn công” với mục đích không tốt, cô gái cần chụp lại màn hình, lưu hết lại tin nhắn, số điện thoại… để làm bằng chứng. Khi thu thập đầy đủ, nạn nhân hãy báo cáo với cơ quan Công an để được hỗ trợ.
“Các đối tượng này có khi chẳng thù ghét gì với cô gái nhưng mượn gió bẻ măng, nhân đây đến nhà (mạng xã hội), dùng nhắn tin, điện thoại, bình luận phá bĩnh. Nạn nhân phải nhớ, mình có phao lớn nhất để bám vào đó là cơ quan Công an. Vì thế, cô gái cũng không nên phản ứng thiếu kiềm chế, chửi lại những người tấn công mình. Người ta chọc ghẹo mình có thể không sao, nhưng mình chửi lại có thể là bằng chứng chống lại mình”, chuyên gia Đinh Đoàn đưa ra lời khuyên.
Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn. |
Người thân cần là bờ vai vững chắc
Cũng theo vị chuyên gia này, nạn nhân không nên trốn tránh, ẩn đi vì khi đó cộng đồng mạng sẽ lùng tìm. Nếu như những kẻ xấu ghét tìm mục tiêu không được, có thể bằng mọi cách như tìm đến Facebook, TikTok, số điện thoại… của người thân để quấy rầy, sẽ còn ảnh hưởng đến cả người khác. Ngoài ra, vì muốn loại bỏ thông tin độc hại, nhiều nạn nhân còn ngồi block (xóa, chặn) người nọ, hay hủy kết bạn với người kia không biết bao giờ mới xong.
“Nạn nhân cứ mặc kệ kẻ xấu, coi đó là một cái “bẫy”. Ai đó nhắn tin bậy bạ, ta cứ thu thập tư liệu, chứng cứ gửi cho cơ quan công an là giải quyết được vấn đề”, vị chuyên gia đưa ra gợi ý.
Chị C.T.D, nạn nhân trong vụ việc “nữ nhân viên Samsung nhiễm HIV lây cho nhiều người” chịu áp lực lớn, khủng hoảng tinh thần về các thông tin giả mạo lan truyền trên mạng xã hội. |
“Đặc biệt, trong trường hợp này, người thân phải là bờ vai vững chắc để cô gái nương tựa vào. Bởi nói gì thì nói, trước sự ép của vụ việc hết sức nhạy cảm liên quan hệ tình dục, nhiễm HIV là hai thứ rất kinh khủng ở đời. Cái này người thân phải hỗ trợ, chia sẻ, động viên, làm công tác tư tưởng cùng gánh vác sức ép tâm lý cho cô gái. Cũng giống như một người đang đi chân yếu phải có 2 người cắp nách đi cùng nếu không cô gái sẽ rất mệt mỏi”, chuyên gia tâm học Đinh Đoàn nhấn mạnh.
Còn đối với những người sử dụng hình ảnh sau “biến cố” của nữ nhân viên Samsung để tạo lập những tài khoản mới, chuyên gia Đinh Đoàn cho rằng, nên có ý kiến nhờ cơ quan an ninh mạng vào cuộc. Khi đó, bị hại chỉ cần thông báo hiện có rất nhiều người lập tài khoản Facebook giả mạo, kênh TikTok giả mạo để cơ quan Công an có cơ sở vào cuộc xác minh, điều tra, xử lý.
Mạng xã hội là ảo, nhưng đời là thực Chuyên gia tâm học Đinh Đoàn cũng lưu ý, người sử dụng mạng xã hội cần cẩn trọng, xác tín thông tin trước khi đăng tải, chia sẻ. Bất kỳ hành vi sai trái, vi phạm pháp luật trên không gian mạng sớm muộn cũng sẽ được phát hiện. Nên những người sử dụng mạng đừng có nghĩ lên trên đó bịa đặt thông tin hay dùng tài khoản ảo để tung tin giả mạo mà không ai biết. Người sử dụng mạng chỉ cần tung tin độc hại, có ảnh hưởng đến xã hội và người khác hoặc mang yếu tố vi phạm pháp luật thì chẳng bao lâu công an đã phát hiện được. Các hành vi vi phạm pháp luật ở ngoài đời thực cơ quan chức năng còn tìm thấy chứ cứ gì trên không gian mạng. Cơ quan công an sẽ truy vết được hết. Vì vậy, mọi người dân cần nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, cần tỉnh táo lựa chọn thông tin hữu ích, đồng thời loại bỏ, lên án thông tin xấu độc. |