Cần truy vết những kẻ ẩn danh
Ngày 26/7, mạng xã hội lan truyền thông tin 'nữ nhân viên Samsung lây HIV cho nhiều người' khiến dư luận xôn xao. Mặc dù thông tin chưa được kiểm chứng, xác thực nhưng đã có rất nhiều người dùng mạng chia sẻ với mục đích câu tương tác trên mạng xã hội.
Luật sư Tạ Anh Tuấn cho rằng, việc tung tin nữ nhân viên Samsung lây nhiễm HIV cho nhiều người có thể bị xử lý hình sự. |
Trao đổi với Báo Công Thương, Luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH Emme Law cho rằng, thời gian qua, không ít các cá nhân, tổ chức bị xử lý hành chính; thậm chí xử lý hình sự vì đăng tải những thông tin sai sự thật không được kiểm chứng, phát ngôn bịa đặt nhằm xúc phạm, hạ thấp uy tín của cá nhân, tổ chức.
Theo Luật sư Tạ Anh Tuấn, đối với trường hợp liên quan tới nhân viên Công ty Samsung, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc truy vết những kẻ ẩn danh đang xúc phạm, xâm hại tới uy tín, danh dự, nhân phẩm của chị C.T.D và gây hoang mang dư luận, trong đời sống nhân dân.
Cũng theo Luật sư Tuấn, với danh sách được cho là của những người bị lây nhiễm HIV đang lan truyền trên mạng xã hội, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ để phân tích đánh giá động cơ mục đích của kẻ ẩn danh nhằm vào cả cá nhân chị D và cả doanh nghiệp.
Luật sư Tạ Anh Tuấn phân tích: "Công ty Samsung là một doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng không chỉ trong nước mà cả quốc tế, cần sớm có biện pháp để bảo vệ quyền lợi cho các đối tác đang đầu tư tại Việt Nam như Samsung cũng như bảo vệ quyền lợi cho chị D".
Theo nam luật sư, hành vi của một số đối tượng lan truyền trên mạng xã hội về hình ảnh cô gái làm việc tại Khu công nghiệp Samsung Thái Nguyên bị nhiễm HIV lây truyền cho nhiều nam công nhân là thông tin bịa đặt, sai sự thật, gây hoang mang cho dự luận xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất vốn đang ổn định của doanh nghiệp.
Điều này được quy định tại điểm a, điểm d khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội “1. Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc và chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn...
Việc chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
Đặc biệt, việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...
Ngoài ra các đối tượng bị xử phạt hành chính phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật.
Nữ nhân viên Samsung phản bác thông tin mạng xã hội đăng tải liên quan đến bản thân cô (Ảnh: Cắt từ clip). |
Có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Tạ Anh Tuấn cho rằng, việc cá nhân, các trang mạng xã hội đăng tải tin thất thiệt liên quan đến nữ nhân viên Samsung, ngoài mức xử phạt hành chính nêu trên các đối tượng có hành vi lan truyền, tung tin sai sự thật về lây truyền HIV ra cộng đồng nếu có căn cứ có thể bị xử lý về hình sự.
Theo luật sư, hành vi tung tin đồn thất thiệt xâm hại đến uy tín, danh dự của cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 và khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Bịa đặt, lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Bên cạnh đó là việc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đối với 2 người trở lên; đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đối với người đang thi hành công vụ; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
Vì động cơ đê hèn; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên làm nạn nhân tự sát.
Theo Luật sư Tạ Anh Tuấn, cơ quan chức năng cần làm rõ, có biện pháp thỏa đáng đối với những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự để đảm bảo sự công bằng và sự tôn nghiêm của pháp luật, kiên quyết đấu tranh với những cái xấu trong xã hội, nhất là với những đối tượng trong trường hợp này để mang tính răn đe cao, xử lý 1 vụ cảnh tỉnh cả vùng, tránh việc làm tổn hại môi trường thu hút đầu tư nước ngoài…