Tuyên ngôn độc lập và Nhà nước pháp quyền Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử- những giá trị vĩnh cửu Tuyên ngôn độc lập: Sức sống trường tồn cùng thời đại |
Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 không chỉ là lời khẳng định trước thế giới về quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam mà còn mở ra thời kỳ xây dựng Nhà nước kiểu mới ở nước ta, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
78 năm đã qua kể từ Ngày Độc lập lịch sử 2/9/1945 với những lời bất hủ của bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào và cả thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân trên lễ đài, ngày 2/9/1945 Ảnh tư liệu |
Đó là lời khẳng định đanh thép của dân tộc Việt Nam ở một thời điểm bước ngoặt không chỉ trong dòng chảy của lịch sử dân tộc mà còn của thời đại khi "một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!".
Trong cuốn sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", ý nghĩa lớn lao về quyền độc lập tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc không chỉ của riêng một con người mà còn được nâng lên thành quyền của một dân tộc đã được tác giả Trần Dân Tiên viết bằng những nhận định giản dị mà hết sức sâu sắc.
"Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam".
"Bản Tuyên ngôn Độc lập là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức".
78 năm kể từ ngày Tuyên ngôn Độc lập ra đời không chỉ là 78 năm dân tộc ta, đất nước ta đấu tranh cho độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ đất nước mà cũng là khoảng thời gian cả đất nước, cả dân tộc kiên định cho mục tiêu xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tiến trình lịch sử vẻ vang ấy được thể hiện tập trung qua các bản Hiến pháp- đạo luật cao nhất của đất nước qua từng thời kỳ lịch sử mà nhiều người đã coi đây là những nấc thang đi tới Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo, tuy không nhắc đến khái niệm pháp quyền hay Nhà nước pháp quyền, nhưng là bản Hiến pháp biểu hiện đầy đủ những yếu tố cốt lõi của Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) là Hiến pháp đầu tiên khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhưng nguyên tắc pháp quyền lại chưa được quy định đầy đủ, xuyên suốt trong toàn bộ Hiến pháp.
Hiến pháp năm 2013 mới được đánh giá là bước tiến mới về chất trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã cụ thể hóa những nguyên tắc hiến định về Nhà nước pháp quyền, Nhà nước ta đã có những cố gắng vượt bậc trong xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật vì dân chủ, quyền con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện ở những thành công bước đầu quan trọng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá.
Những nhận thức mới, những quan điểm mới về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được thể hiện tập trung nhất tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới ban hành ngày 9/11/2022. Đây là lần đầu tiên Đảng ta xây dựng một Nghị quyết chuyên đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo đó, 8 đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ghi nhận.
Các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: (1) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; (2) Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; (3) Quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật; (4) Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; (5) Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; (6) Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán; (7) Độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; (8) Tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Việc khẳng định các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện tư duy mới, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong đổi mới hệ thống chính trị, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng lý luận nhận thức cũng như giúp xác định rõ mục tiêu cần đạt được trong xây dựng, hoàn thiện mô hình, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và mối quan hệ giữa các thiết chế trong bộ máy Nhà nước, là cơ sở để giải quyết tốt mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững trong tình hình mới.