Diễn giả tại Hội nghị chuyên đề là Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) - người đã dành hơn 40 năm sưu tầm, nghiên cứu, kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Giáo sư, Tiến sĩ (GS.TS) Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) trao đổi tại Hội nghị chuyên đề: “Học tập đạo đức phong cách, tư tưởng Hồ Chí Minh qua cách viết báo, làm báo” |
Người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam
Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, đội ngũ làm báo cách mạng Việt Nam thật vinh dự được làm một đồng nghiệp nhỏ của nhà báo lỗi lạc Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người thầy đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trên bước đường hoạt động tìm đường cứu nước, cứu dân, Bác đã sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén để đấu tranh với kẻ thù; đồng thời tuyên truyền, kêu gọi nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc. Sự nghiệp làm báo 50 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đánh dấu bởi bài báo đầu tiên “Vấn đề bản xứ” đăng trên tờ L’Humanité (Báo Nhân đạo - Cơ quan trung ương của Đảng Xã hội Pháp) ngày 2/8/1919 và cuối cùng là bài báo “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân dân ngày 1/6/1969.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác sử dụng trên 170 bút danh để viết trên 3.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng, nhiều thể loại (chính luận, tiểu phẩm, truyện, ký và thơ...) đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội với cách viết sắc sảo, cụ thể, đưa ra các giải pháp thiết thực, khả thi. Những tác phẩm báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh dù ở thể loại nào, viết về vấn đề gì đều có một sắc thái rất riêng, hết sức lôi cuốn.
Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của nhân dân ta, những bài báo của Bác có tác dụng hiệu triệu vô cùng to lớn, trở thành sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, cổ vũ toàn dân tham gia kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Đồng chí Đặng Thái Anh - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng biên tập Báo Công Thương - cho biết, Hội nghị chuyên đề “Học tập đạo đức phong cách, tư tưởng Hồ Chí Minh qua cách viết báo, làm báo” là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa rất thiết thực đối với Đảng bộ Báo Công Thương. |
GS.TS Hoàng Chí Bảo cũng nêu một khía cạnh làm báo rất đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là Bác đã có 95 lần trả lời phỏng vấn và lần cuối cùng chỉ cách thời khắc Người về cõi vĩnh hằng 49 ngày. Cần lưu ý là các nhà báo phỏng vấn Bác đến từ nhiều quốc gia, châu lục, với đủ chính kiến khác nhau. Nội dung trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức phong phú, bao quát nhiều vấn đề từ trong nước đến quốc tế, đối nội, đối ngoại, từ chính trị đến kinh tế - xã hội, từ an ninh đến quốc phòng và cả đời tư… “Cách trả lời phỏng vấn của Bác hàm chứa biết bao tư tưởng, triết lý lớn. Có thể khẳng định, những bài trả lời phỏng vấn của Bác cũng là sản phẩm báo chí xuất sắc”. Ví dụ như bài trả lời phỏng vấn của báo Frères D'armes ngày 25/5/1948. Khi được hỏi: "Chủ tịch cầu mong gì nhất?"; Bác trả lời: "Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu". Hỏi: "Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ gì nhất?" Bác trả lời: "Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì".
Đảng viên Đảng bộ báo Công Thương tham gia Hội nghị chuyên đề: “Học tập đạo đức phong cách, tư tưởng Hồ Chí Minh qua cách viết báo, làm báo”. |
Những bài học sâu sắc cho người làm báo
Tại Hội nghị chuyên đề, các đảng viên Đảng bộ Báo Công Thương đã đặt ra nhiều câu hỏi trao đổi với GS.TS Hoàng Chí Bảo về những khó khăn trong việc thu hút độc giả đối với người làm báo kinh tế trong thời đại bùng nổ thông tin và sự cạnh tranh của nhiều loại hình truyền thông hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội. GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng: “Mặc dù cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn thông tin rất phong phú, nhưng không ít độc giả rơi vào tình trạng "chết chìm với thông tin" đồng thời lại luôn có cảm giác thiếu thốn thông tin thực sự trí tuệ”. Do đó, phải lấy tư tưởng, phong cách làm báo, viết báo của Hồ Chí Minh soi rọi vào thực tiễn để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Người đã nêu lên kinh nghiệm bản thân: "Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc". Bác còn dạy, thông tin trong tác phẩm báo chí phải “chân thực, chính xác,” phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc, “không được bịa ra, không nêu nói ẩu”; “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết;” bài báo phải có bố cục “ngắn gọn;” ngôn ngữ “trong sáng, giản dị, dể hiểu”. Đồng thời, Người cũng nhắc nhở: “… Cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực". Hay "Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người…".
Các đảng viên Đảng bộ Báo Công Thương đã đặt ra nhiều vấn đề trao đổi với GS.TS Hoàng Chí Bảo về những khó khăn trong việc thu hút độc giả đối với người làm báo kinh tế |
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo có sức hút với bạn đọc, vẫn luôn vẹn nguyên giá trị.
GS.TS Hoàng Chí Bảo đặc biệt nhấn mạnh, quá trình rèn nghề, tinh thần học hỏi không ngừng, thái độ khiêm tốn, cầu thị của Bác là một bài học sâu sắc cho những người làm báo các thế hệ tiếp nối. Do đó, để học và làm theo Bác trong viết báo, làm báo cần chú trọng quan điểm “mở”, phù hợp với sự phát triển đi lên của đời sống xã hội hiện nay nhưng cốt lõi vẫn là dựa trên các nguyên lý bất biến là phục vụ cách mạng, phục vụ lợi ích của đất nước; tiếp nối những giá trị nhân văn tốt đẹp của dân tộc.
Có thể khẳng định, Hội nghị chuyên đề “Học tập đạo đức phong cách, tư tưởng Hồ Chí Minh qua cách viết báo, làm báo” là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa rất thiết thực đối với Đảng bộ Báo Công Thương. Qua đó, gợi mở cho mỗi cán bộ, phóng viên của Báo Công Thương nhận thức sâu sắc về tinh thần tự rèn luyện, nâng cao nghiệp vụ để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao là cơ quan ngôn luận của một Bộ quản lý kinh tế đa ngành như Bộ Công Thương.