GS.TS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, người đã dành hơn 40 năm để nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tiếp phóng viên Báo Công Thương trong một buổi chiều đầu hè. Khi câu chuyện đề cập đến khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam tự chủ, hùng cường của Bác Hồ, GS.TS Hoàng Chí Bảo khẳng định: "Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có tư duy kinh tế độc đáo, tiến bộ mà còn mang tầm chủ nghĩa nhân văn rất sâu sắc".
Chấn hưng giáo dục và trọng dụng hiền tài
GS.TS Hoàng Chí Bảo phân tích, trong hoàn cảnh có tới 95% dân số mù chữ do hậu quả của chế độ thực dân, thì trước hết là phải chấn hưng giáo dục để chấn hưng dân tộc. Chính với tư tưởng này, một trong những văn bản đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ký là: "Sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ". Người chọn những trí thức nổi tiếng như Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên là người đứng đầu ngành Giáo dục.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy dệt 8-3 (1965). Ảnh tư liệu |
Người cũng nêu rõ: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", đồng thời chỉ dẫn phương pháp để xóa nạn mù chữ: "Người biết nhiều dạy người biết ít; con cái dạy cho bố mẹ; chủ nhà buôn, doanh nhân dạy cho người làm công…".
Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mời Luật sư Hồ Đắc Điềm - con nhà quý tộc, đi học từ Pháp về - đến gặp và nói: "Bác biết chú là người nhiều chữ, theo Bác chú nên san sẻ cho người ít chữ". Chính sự tin cậy, dân chủ, chân thành của Bác đã cảm hóa vị trí thức vốn sống trong nhung lụa từ nhỏ, Luật sư Hồ Đắc Điềm rất cảm động, kính phục và đã dành cả đời thực hiện bổ túc văn hóa cho nhân dân.
Trong hoàn cảnh khó khăn bộn bề của buổi đầu lập nước, để kiến quốc thành công phải quy tụ lòng người, tập hợp được sức mạnh của cả dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời rất nhiều nhân sĩ, trí thức học giả, kể cả những người làm việc trong chế độ cũ, tham gia vào bộ máy Chính phủ, miễn đó phải là người tài giỏi, đức độ, được dân tín nhiệm.
Trước khi lên đường đi Pháp 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn cụ Huỳnh Thúc Kháng - một nhân sĩ yêu nước - trí thức lớn để trao trọng trách quyền Chủ tịch nước. Sở dĩ Bác chọn một người không phải Đảng viên như cụ Huỳnh Thúc Kháng, vì theo Bác, Đảng ta rất vĩ đại, nhưng mới lên cầm quyền, nhân dân bị bưng bít suốt 80 năm nô lệ nên có thể chưa hiểu biết nhiều về Đảng, nhưng cụ Huỳnh Thúc Kháng thì cả nước đều biết và kính nể…
Xây dựng nền kinh tế tự chủ và hội nhập kinh tế
GS.TS Hoàng Chí Bảo tiếp tục mạch tâm đắc khi trao đổi về sự kiện năm 2021 này tròn 70 năm thành lập ngành Công Thương với Sắc lệnh số 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông dẫn ví dụ sau ngày độc lập chưa lâu, Chính quyền cách mạng còn non trẻ, giữa bộn bề việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian để gặp gỡ giới doanh nghiệp và doanh nhân. Ngày 13/10/1945, Người gửi thư động viên họ tham gia Công thương cứu quốc đoàn. Bác đã mở đầu bức thư một cách thân mật và trân trọng: "Cùng các Ngài trong giới công thương". Về vai trò, nhiệm vụ của giới doanh nhân trong các giai tầng xã hội ở Việt Nam, Bác viết: "Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng".
Cùng với những tư tưởng coi lợi ích kinh tế là nhân tố mãnh liệt để thúc đẩy sản xuất phát triển: "Công - Tư đều lợi", "Chủ - Thợ đều lợi"; xác định nông nghiệp là nền tảng và tích cực ứng dụng thành tựu của khoa học - công nghệ: "Công - Nông giúp nhau"; … Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng vấn đề tổ chức, quản lý sản xuất và sử dụng các đòn bẩy kinh tế (như thực hiện công bằng xã hội trong khâu phân phối, khoán sản phẩm, thực hành tiết kiệm, cải cách hành chính, chế độ lương, thưởng – phạt hợp lý...) để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xác định rõ và rất sớm rằng, muốn đất nước phồn vinh thì bên cạnh việc chấn hưng, kiến thiết kinh tế trong nước thì phải xây dựng giao thương, hội nhập với quốc tế. Ngay khi có Chính phủ mới, Người đã viết thư gửi cho Tổng thống các nước phương Tây tuyên bố Việt Nam sẵn sàng hợp tác, đặt quan hệ bang giao với các nước. Theo đó, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẵn sàng đón các nhà tư bản vào cùng khai thác những tiềm năng kinh tế, đôi bên cùng có lợi, với điều kiện những nhà tư bản phải thừa nhận và tôn trọng nền độc lập của Việt Nam.
Nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9/1946 tại Paris, Người phát biểu: "Hoàn toàn độc lập quyết không có nghĩa là đoạn tuyệt. Nước Việt Nam đã long trọng cam kết tôn trọng những lợi ích văn hóa và kinh tế của Pháp trên đất nước Việt Nam. Hơn thế nữa, Việt Nam còn sẵn sàng phát triển nó bằng sự hợp tác anh em và trung thực. Việt Nam độc lập, chẳng những không làm hại đến lợi ích của Pháp, mà còn tăng cường vị trí và củng cố uy tín của Pháp ở châu Á". Đó thực sự là một tư tưởng hội nhập trên tinh thần hiểu biết sâu sắc lẫn nhau với tầm nhìn thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi tiễn chúng tôi, GS.TS Hoàng Chí Bảo bày tỏ mong muốn cần phải có thêm nhiều công trình nghiên cứu về tư duy phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông rất vui mừng vì Văn kiện Đại hội Đảng XIII vừa qua cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng đất nước hùng cường, dân tộc cường thịnh để trường tồn. Thực hiện mục tiêu này cũng chính là hoàn thành tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". |