Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm, nhắc nhở và nêu gương về đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong Đảng. Đây cũng là di sản của Người mà mọi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nghiên cứu, học tập, quán triệt và thực hiện nhằm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đưa đất nước ngày càng phát triển, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn thắng lợi thì mỗi người phải dựa vào lực lượng của số đông người, tức là của tập thể, của xã hội. Riêng lẻ từng cá nhân thì nhất định không thắng nổi tự nhiên, không sống còn được. Để sống còn, loài người lại phải sản xuất mới có ăn, có mặc. Sản xuất cũng phải dựa vào lực lượng của tập thể, của xã hội. Chỉ riêng lẻ cá nhân cũng không sản xuất được. Thời đại chúng ta là thời đại văn minh, thời đại cách mạng, mọi việc càng phải dựa vào của tập thể, của xã hội; cá nhân càng không thể đứng riêng lẻ mà càng phải hòa mình trong tập thể, trong xã hội”.
Trong sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước thời đại Hồ Chí Minh cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đoàn kết là một trong những nguyên tắc sống còn được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng, thực hành một cách có hiệu quả và được đúc kết trên 3 phương diện gồm: Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; đoàn kết quốc tế.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết chính là nền tảng của sức mạnh (Ảnh tư liệu) |
Trước hết, về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” và “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết toàn dân là nền tảng của sức mạnh, là quan điểm xuyên suốt của Đảng trong tiến trình cách mạng cũng như phát triển đất nước.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, để xây dựng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nhân nguồn sức mạnh đó lên, Người luôn coi trọng việc giác ngộ, tập hợp nhân dân vào hàng ngũ cách mạng, biến ý chí, tư tưởng cách mạng của Đảng thành ý chí, tư tưởng, động lực để phát huy sức mạnh của nhân dân. Người coi nhân dân không phân biệt tầng lớp, giàu nghèo, trai gái, già trẻ là nền gốc của đại đoàn kết. Khi khối đoàn kết này phát huy sức mạnh thì “dời non, lấp bể” đều có thể làm được.
Thực tế, lịch sử đã chứng minh từ thời cha ông ta dựng nước, chỉ có đoàn kết chính nghĩa vì lợi ích chung của dân tộc, đất nước, chúng ta đã giành thắng lợi trong các cuộc khởi nghĩa, chiến thắng nhiều kẻ thù hùng mạnh, chiến thắng dịch bệnh, thiên tai, mang lại độc lập, tự do, hoà bình và cuộc sống ấm no, bình yên cho Nhân dân. Chính sự đoàn kết, thống nhất đó, Việt Nam đã làm nên nhiều kỳ tích mà không phải quốc gia nào cũng làm được. Các số liệu về xoá đói, giảm nghèo, xoá mù chữ, y tế, phát triển kinh tế, hội nhập là một minh chứng rõ nét.
Thứ hai là giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Trải qua 94 năm hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Đảng ta lấy lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân làm mục tiêu cao nhất.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc xây dựng, duy trì, bảo vệ cho được sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, từ chi bộ cơ sở đến Ban Chấp hành Trung ương có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo, cũng như trước lúc đi xa, Người luôn căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Cũng cần hiểu rằng, đoàn kết, thống nhất trong Đảng không có nghĩa là bao che cho những cái sai, cái chưa đúng của cán bộ đảng viên. Để có được sự đoàn kết, thống nhất, Đảng cũng đã phải thi hành kỷ luật, khai trừ nhiều đảng viên, thậm chí cả lãnh đạo cấp cao ra khỏi bộ máy nhằm làm trong sạch Đảng, lấy lại niềm tin của Nhân dân.
Thứ ba là đoàn kết quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiểu, thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin về tinh thần đoàn kết quốc tế với khẩu hiệu “vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại” và trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Người cũng hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc hay trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Đương nhiên muốn đoàn kết quốc tế thì phải “bang giao”. Ngay sau khi giành lại được độc lập, bên cạnh việc củng cố, xây dựng chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những hoạt động tích cực mở rộng quan hệ quốc tế, kể cả những quốc gia được cho là đối nghịch như Pháp.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế dựa trên những nguyên tắc cơ bản như: Bình đẳng về lợi ích và trách nhiệm; Thực sự tôn trọng lẫn nhau; Tự lực cánh sinh; Có lý, có tình. Những tư tưởng này đã được Đảng quá triệt, chỉ đạo xuyên suốt cho đến tận ngày hôm nay. Nó cũng được lan toả trên bình diện thế giới, tạo động lực, niềm tin để nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới đoàn kết vì lợi ích chung là hoà bình, phát triển.