Học tập và làm theo Bác là nền tảng để Petrovietnam nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách Đảng viên trẻ Lò Láo Lở học tập và làm theo Bác |
Tình yêu đặc biệt của Bác với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn
Ngay từ những năm đầu mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, bài đăng trên báo Cứu Quốc (số 390, ngày 29/10/1946), Bác viết: “1) Ở thế giới, công nhân nước nào có tổ chức mạnh thì được địa vị hơn; nếu tổ chức yếu thì địa vị kém. 2) Các công đoàn Việt Nam phải là một tổ chức đơn giản, vững vàng. 3) Công đoàn có nhiệm vụ gìn giữ quyền lợi cho công nhân và giúp Chính phủ trong việc xây dựng đất nước. 4) Chính phủ Việt Nam là một chính phủ dân chủ, sẽ hết sức giúp đỡ về tinh thần cho công đoàn. Bộ luật Lao động Việt Nam sẽ nhận cho công nhân Việt Nam có quyền tự do tổ chức, quyền tự do bãi công...”.
Bác Hồ gặp gỡ công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hà Nội năm 1955. Ảnh tư liệu |
Điều đó cho thấy, trong tư tưởng của Bác luôn đề cao và khẳng định sứ mệnh lịch sử, vai trò to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam, tổ chức công đoàn trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau này, trong quá trình trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác luôn nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trong buổi nói chuyện với lãnh đạo Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) ngày 18/7/1969, Bác nhấn mạnh: “Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo. Khác hẳn với trước kia, công nhân bây giờ là người chủ đất nước, chủ xã hội, chủ cuộc sống. Bởi vậy mọi người đều phải thấm nhuần sâu sắc ý thức làm chủ tập thể và đạo đức cách mạng “mình vì mọi người”.
Không chỉ đánh giá cao vai trò của giai cấp công nhân, Bác còn nhắc nhở: Mỗi người công nhân, viên chức là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, phải tự nguyện tự giác giữ kỷ luật lao động, phải làm đủ 8 giờ vàng ngọc, phải giữ gìn của công và thực hành tiết kiệm. Nước ta còn nghèo, muốn sung sướng thì phải cần cù lao động, phải ra sức sản xuất, coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn tạo nên hạnh phúc của mọi người và cho cả thế hệ mai sau.
Tuy nhiên Bác cũng lưu ý: “Muốn giữ kỷ luật lao động phải có tinh thần hăng hái, có tính sáng tạo. Tính hăng hái, sáng tạo tỏ ra ở chỗ thi đua. Thi đua không phải là tranh đua. Mọi người phải cố gắng tiến bộ, không giấu nghề, người đi trước hiểu biết dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ”.
Song để xây dựng được đội ngũ công nhân lao động “vừa hồng vừa chuyên” thì vai trò của tổ chức công đoàn rất quan trọng. Với Bác, công đoàn là trường học của chủ nghĩa cộng sản. Muốn thực hiện tốt, cán bộ công đoàn phải thấm nhuần và giáo dục cho công nhân ý thức làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng nước nhà.
Muốn làm được như vậy, Bác yêu cầu công đoàn các cấp phải đoàn kết, phối hợp giúp đỡ nhau giữa các tổ chức và các ngành nghề; cán bộ công đoàn cần có tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, quyết tâm khắc phục khó khăn làm tròn nhiệm vụ mà Đảng đã giao phó. Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu về quản lý kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Cán bộ công đoàn “phải giỏi cả về chính trị, thạo về kinh tế” thì mới lãnh đạo được đội ngũ công nhân ngày càng phát triển lại có trình độ cả về tư tưởng văn hóa, kỹ thuật.
Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân có quyền thực sự trong xí nghiệp, có quyền phê bình tất cả mọi việc và mọi người trong xí nghiệp. Họ có quyền phát biểu về mọi vấn đề quản lý xí nghiệp, sản xuất, đời sống... Tóm lại, phải làm cho công nhân có ý thức về toàn bộ hoạt động của xí nghiệp và đời sống kinh tế và văn hóa của xã hội, có như vậy mới phát huy được vai trò làm chủ của giai cấp công nhân.
Trong quá trình phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam, bên cạnh sự quan tâm về xây dựng, củng cố tổ chức, Bác cũng luôn luôn nhắc nhở, kêu gọi giai cấp công nhân vận động phong trào thi đua ái quốc; biết phát minh sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Và nếu công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến của người lao động thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng.
Học tập và làm theo Bác bằng những hành động cụ thể
Các cấp công đoàn đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh vào kế hoạch, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, từng vị trí việc làm. Trong đó, chú trọng đổi mới phong cách, lề lối làm việc, tác phong công tác; nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, nói đi đôi với làm...
Là công đoàn ngành với 150.000 công nhân lao động, những năm qua, hầu hết đoàn viên, công nhân viên chức lao động ngành Công Thương tin tưởng vào đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có ý thức phấn đấu vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Ông Phan Văn Bản – Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam – cho biết: Triển khai Kết luận số 01-KL/TW và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên,người lao động tham gia học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công đoàn ngành phối hợp với các báo, tạp chí, trang thông tin, cổng thông tin điện tử để xây dựng trang thông tin, chuyên mục tuyên truyền về những tấm gương đoàn viên, người lao động, về các hoạt động của công đoàn các cấp ngành Công Thương; tuyên truyền, giáo dục tới đoàn viên, công nhân viên chức lao động những giá trị văn hóa, truyền thống yêu nước, đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam.
Thực hiện lời dạy của Bác, các cấp công đoàn nỗ lực, giành nhiều kết quả trong các phong trào thi đua |
Với đặc điểm là một ngành kinh tế đa ngành, thực hiện lời dạy của Bác, các đơn vị trong ngành Công Thương còn luôn duy trì tốt phong trào thi đua đa dạng, đặc biệt là các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Học và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm”, “Chống lãng phí, tham ô”, “Bảo đảm vệ sinh an toàn lao động”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”...
Báo cáo của Công đoàn Công Thương Việt Nam cho thấy, tính riêng trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, các đơn vị trong toàn ngành đã có hơn 150.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi trên 9.000 tỷ đồng, số tiền thưởng cho các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trên 90 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều sáng kiến giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội.
Đáng chú ý, trong giai đoạn cả nước gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid- 19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã triển khai nhanh chóng tới các cấp công đoàn. Với sự động viên, khích lệ của công đoàn, sự đồng lòng của người lao động, toàn ngành đã cập nhật 175.973 sáng kiến lên phần mềm của Tổng Liên đoàn, vượt chỉ tiêu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao, mang lại hiệu quả 35,6 tỷ đồng; có 10 công trình sản phẩm được công nhận làm lợi 8 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Kết quả, Công đoàn Công Thương Việt Nam đứng thứ Nhì toàn quốc, được Tổng Liên đoàn, Lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá cao.
Thực hiện lời dạy của Bác, thời gian tới, các cấp công đoàn ngành Công Thương tiếp tục xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; tập trung công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, vì việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; phát huy vai trò tiên phong, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng ngành Công Thương phát triển; đổi mới nội dung, cách thức tổ chức các phong trào thi đua trong cán bộ, đoàn viên, người lao động, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” phù hợp thực tiễn từng ngành, lĩnh vực, gắn với nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh...
55 qua, kể từ lần cuối cùng Bác gặp lãnh đạo công đoàn vào tháng 7/1969, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều đổi thay; giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh, song những quan điểm, lời dạy của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị và được các cấp công đoàn cũng như lực lượng đoàn viên, người lao động ghi nhớ: Cán bộ công đoàn “phải giỏi cả về chính trị, thạo về kinh tế”, phải tham gia lao động, gần gũi công nhân viên chức, phải đoàn kết… xây dựng một giai cấp công nhân tiên phong, hiện đại, tiêu biểu cho đất nước, dân tộc Việt Nam. |