17 năm sau ngày thành lập (9/6/2005 - 9/6/2022), huyện vùng cao Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã có sự đổi thay rõ rệt, diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Có được thành quả đó là nhờ sự nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền, sự đoàn kết, đồng thuận của đồng bào các dân tộc.
Đoàn kết, nỗ lực vượt khó
Khi mới thành lập huyện, Tu Mơ Rông là huyện miền núi đặc biệt khó khăn; dân số trên 27.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng. Đây là vùng núi cao có địa hình phức tạp, thường bị chia cắt về mùa mưa, khí hậu khắc nghiệt, luôn phải đối mặt với thiên tai.
Trung tâm huyện Tu Mơ Rông - từ một vùng đồi núi hoang sơ, nay đang vươn mình đi tới |
Cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội, nhất là giao thông nông thôn vô cùng cách trở. Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, điều kiện kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 1,636 triệu đồng/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 135 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện chiếm tới 76%...
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ của huyện vừa thiếu lại vừa yếu. Phần lớn cán bộ, công chức, viên chức công tác ở huyện Tu Mơ Rông khi ấy được chuyển từ huyện Đắk Tô về, nhà cửa ở bên đó, một số không muốn xa gia đình. Nhiều cán bộ trẻ còn thiếu kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm thực tế cơ sở.
Trước tình hình đó, với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban, ngành của tỉnh, phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, Đảng bộ và cả hệ thống chính trị của huyện đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, dự án quan trọng, tập trung khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của huyện, nhất là thế mạnh về phát triển các loại dược liệu quý gắn với các loại hình du lịch… Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của huyện từng bước chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Cả huyện bước vào công cuộc dựng xây, kiến thiết…
Thành tựu nhiều mặt, bước đi vững chắc
Thành tựu nổi bật trong thời gian qua là khơi thông, từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn, huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, bước đi vững chắc.
Các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực được tập trung phát triển, đặc biệt là sản phẩm “Quốc bảo” Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm dược liệu đặc hữu, cơ hội thoát nghèo và vươn lên làm giàu đã và đang được hiện thực hóa khát vọng trên mảnh đất giàu truyền thống của những người con đồng bào dân tộc Xơ Đăng anh hùng.
Số lượng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư và thực hiện đầu tư trên địa bàn ngày càng tăng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 16 công ty khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư và nhiều nhà đầu tư khác đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại huyện; đã có 5 doanh nghiệp lập dự án trình cấp có thẩm quyền thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt với tổng số vốn đầu tư 1.487.649 triệu đồng.
Đặc biệt, nhiệm vụ chăm lo, ổn định cuộc sống đồng bào dân tộc tiểu số là thành tích lớn của địa phương. Đến nay, đường giao thông đi các tới các thôn, làng vùng sâu, vùng xa đã bảo đảm được 2 mùa, nhiều khu sản xuất tập trung được đầu tư xây dựng, đường giao thông thuận tiện; nhiều mô hình, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất về dược liệu được hình thành; hạ tầng lưới điện, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch được đầu tư hoàn thiện. Đến nay, có 99,3% hộ gia đình được sử dụng điện; 100% thôn có điện; trên 80% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Lãnh đạo tỉnh Kon Tum khảo sát quy hoạch du lịch sinh thái tại huyện Tu Mơ Rông |
Có thể khẳng định, năm 2021 mặc dù phải đối mặt với đại dịch Covid-19, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 60,270 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/năm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt và đạt được kết quả tích cực. Đến cuối năm 2021, huyện có 5 xã là: Ngọk Lây, Đắk Sao, Tê Xăng, Văn Xuôi, Ngọk Yêu đạt 15 tiêu chí; 4 xã là: Đăk Rơ Ông, Măng Ri, Đăk Na, Tu Mơ Rông đạt 13 tiêu chí, 2 xã là: Đắk Hà, Đắk Tờ Kan đạt 12 tiêu chí, không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế tiếp tục có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, toàn huyện có 10/26 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 38,46%; 11/11 trạm y tế có bác sĩ; 100% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 85/86 thôn, làng có nhà rông, chiếm 98,84% số thôn, làng trong huyện.
Công tác giảm nghèo đã huy động được nhiều nguồn lực để triển khai, bình quân mỗi năm giảm 8% tỷ lệ hộ nghèo. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 23,38%… Đã cơ bản xóa hết hộ đói. Công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề đạt được những kết quả khả quan. Văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư; bản sắc văn hoá dân tộc được chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Vững tin hành trình đi tới
Chặng đường phía trước mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi, song khó khăn, thách thức cũng còn nhiều, đòi hỏi phải có nỗ lực lớn, quyết tâm cao. Với tinh thần vượt khó, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân huyện Tu Mơ Rông tranh thủ mọi nguồn lực, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và tiềm năng, lợi thế của huyện với trục xoay là: rừng, Sâm Ngọc Linh, dược liệu gắn với du lịch; quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra.
Các đồng chí Ủy viên TW Đảng Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cắt băng khánh thành Phiên chợ Sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông |
Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm; sản lượng cà phê đạt trên 2.470 tấn, mì đạt trên 28.220 tấn, sâm Ngọc Linh trồng đạt 1.210ha (trong đó, nhân dân trồng khoảng 40ha) và các dược liệu khác trên 860ha; tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt trên 67%; phấn đấu có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt trên 15 tiêu chí.
Về văn hóa-xã hội, phấn đấu có tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50%, giải quyết việc làm mới cho trên 300 lao động/năm; tỷ lệ số người trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 30%; trên 70% số trường học trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia và có bác sĩ, đạt 71,8 giường bệnh/vạn dân; 75-80% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hoá, 80-85% số làng được công nhận là làng văn hoá; tỷ lệ làng có nhà rông văn hóa đạt 100%; 50-60 % số xã có thiết chế văn hóa theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ nhà kiên cố đạt 90%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 6-8%; trên 85% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số hộ dân được dùng điện lưới quốc gia…
Để đạt được mục tiêu đề ra, Tu Mơ Rông tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, các công trình giao thông, thủy lợi... Tích cực triển khai nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh Chương trình OCOP; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với thu hút đầu tư phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Xúc tiến thực hiện các dự án đầu tư để hoàn thiện các hạng mục lớn, quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nội chính, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền...
Với những chủ trương, giải pháp đúng hướng, sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Tu Mơ Rông nguyện đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng Tu Mơ Rông trở thành huyện phát triển khá, toàn diện, bền vững, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng./