Mới đây, dư luận xôn xao xung quanh câu chuyện bữa ăn 800.000 đồng nhưng hết sức đạm bạc, nghi bị cắt xén của các vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ. Sau vụ lùm xùm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vào cuộc, Huấn luyện viên Bùi Xuân Hà và Tô Minh bị cho thôi chức.
Vụ việc chưa êm thì mấy ngày nay, dư luận lại ồn ào xung quanh suất ăn 32.000 đồng của học sinh Trường THCS Yên Nghĩa, quận Hà Đông (TP. Hà Nội). Được biết, Trường THCS Yên Nghĩa đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và Chế biến suất ăn Hoa Sữa. Đơn vị này cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh nhà trường với số lượng dao động khoảng 450-500 suất/ngày, mức giá 32.000 đồng/suất. Quan sát bằng mắt thường qua những hình ảnh được lan truyền trên mạng, mọi người đều có thể “đọc vị” được giá tiền của suất ăn.
Ngay sau đó, phụ huynh các học sinh bức xúc phản ánh và báo chí, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Cũng như lời giải thích của Huấn luyện viên Bùi Xuân Hà, mọi giải thích của Trường THCS Yên Nghĩa và đơn vị cung cấp xem ra không nhận được sự đồng tình của dư luận.
Chất lượng bữa ăn của học sinh luôn là vấn đề được bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm. Ảnh minh họa |
Qua tìm hiểu các quy định hiện hành, mỗi vận động viên tham gia đội tuyển quốc gia và trẻ quốc gia được hưởng chế độ dinh dưỡng do Nhà nước chi trả, với kinh phí từ 320.000 đồng đến 640.000 đồng/người/ngày, số tiền không nhiều nhưng là một sự nỗ lực và thể hiện sự quan tâm của Nhà nước dành cho các vận động viên. Tuy nhiên, biến động giá cả, kinh tế khó khăn, lạm phát, dường như mức chi này chưa thực sự đáp ứng được chất lượng cuộc sống của các vận động viên tập luyện ở cường độ cao, đòi hỏi dinh dưỡng và thực phẩm hỗ trợ chất lượng.
Bởi, với mức tiền ăn này “khéo ăn thì no, khéo lo thì ấm”, chất lượng bữa ăn phụ thuộc rất nhiều vào sự “đảm đang” của các Trung tâm, Ban huấn luyện. Nhiều năm qua, các vận động viên quốc gia tập huấn ở một số trung tâm huấn luyện thường xuyên kêu ca về việc họ chưa được ăn đủ chất, lượng, và vụ lùm xùm suất ăn ở đội tuyển trẻ bóng bàn chỉ là giọt nước tràn ly.
Khác với các vận động viên, ngoại trừ học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước hỗ trợ thì các em học bán trú đều phải đóng tiền trả cho suất ăn tại trường. Từ nhiều năm nay, chất lượng suất ăn bán trú luôn là vấn đề nóng không chỉ các phụ huynh mà cả xã hội quan tâm. Đã có hàng chục vụ ngộ độc thực phẩm từ các suất ăn bán trú kém chất lượng trong trường học. Cuối năm ngoái, vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn nhất trong lịch sử ngành Giáo dục và Đào tạo xảy ra tại trường Ischool Nha Trang (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) khiến gần 700 học sinh nhập viện, 1 trường hợp tử vong. Trước đó, tháng 3/2019, hơn 3.000 gia đình ở Thuận Thành (Bắc Ninh) đã phải nháo nhào đưa con về các bệnh viện ở Hà Nội để xét nghiệm sau vụ 62 học sinh trường mầm non xã Thanh Khương, huyện này dương tính với sán lá gan do nghi ăn phải thịt lợn nhiễm khuẩn một thời gian dài.
Xung quanh vấn đề cung cấp suất ăn bán trú dư luận lâu nay râm ran đồn thổi về nhóm lợi ích. Phải chăng đã có sự “bắt tay” giữa doanh nghiệp cung cấp suất ăn và Ban giám hiệu. Các em đang tuổi ăn tuổi lớn, bố mẹ đóng tiền, gửi gắm vào nhà trường nhìn suất ăn lèo tèo vài thứ như vậy thử hỏi có phụ huynh nào không bức xúc, xót xa?
“Có thực mới vực được đạo”, các vận động viên là người mang vinh dự, tự hào về cho Tổ quốc khi tham gia các sân chơi thể thao và đạt thành tích cao tại đấu trường quốc tế; các em học sinh là tương lai của đất nước. Nếu không chăm lo tốt vấn đề dinh dưỡng sẽ để lại nhiều hệ luỵ lâu dài. Các cơ quan chức năng, cụ thể là Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Ban giám hiệu, các Phòng, Sở thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm tốt công tác quản lý nhà nước, bổ sung, đề xuất các quy đinh, chính sách đảm bảo chế độ “thực dưỡng” cho vận động viên và các em học sinh. Nghịch lý và đáng buồn là hiện nay, các trung tâm huấn luyện, các trường học đều không có biên chế cán bộ hay chuyên gia về dinh dưỡng. Tất cả phó mặc cho đơn vị cung cấp hoặc các đầu bếp hợp đồng hoặc thuê ngoài. Chính vì vậy, vận động viên hay các em học sinh đều là cho gì ăn nấy, đói thì tự mua đồ ăn bổ sung; không cần biết có hợp khẩu vị hay không.
Hiện nay chúng ta đang đề cao vai trò và trách nhiệm người đứng đầu. Để xảy ra những lùm xùm xung quanh giá cả và chất lượng bữa ăn của vận động viên và các em học sinh như vừa qua là trách nhiệm của những cơ quan mà cụ thể là những người đứng đầu đơn vị đó. Do vậy, hơn lúc nào hết chúng ta cần đến những người đứng đầu thực sự có tâm, có tầm. Bởi chỉ công khai, minh bạch, có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì mới ngăn chặn và đẩy lùi được những câu chuyện buồn như vừa qua.