PGS,TS Ngô Trí Long và TS Nguyễn Minh Phong nói về vụ triệt phá “vương quốc” hàng giả Saigon Square Gắn kết du lịch và tiêu thụ hàng hoá nông sản miền núi: Phải "thổi hồn" văn hóa vào từng sản phẩm |
Thưa ông, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được triển khai 14 năm nay. Xin ông chia sẻ những hiệu quả lớn mà Cuộc vận động đã đạt được?
Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được triển khai 14 năm nay và đã nhận được sự đồng lòng hưởng ứng của doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội. Nhờ đó, Cuộc vận động đã thu được nhiều thành công, thể hiện ở sự phủ sóng của hàng Việt, uy tín hàng Việt ngày một nâng cao.
TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế |
Thực tiễn cho thấy nhiều mặt hàng hiện đại sản xuất tại Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao đã, đang và sẽ tiếp tục chinh phục lòng tin của người tiêu dùng Việt, tiêu biểu là cộng đồng các doanh nghiệp đạt nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao được người tiêu dùng bình chọn ngẫu nhiên và khách quan. Đó là các sản phẩm hàng hóa đã được vinh danh Thương hiệu Quốc gia. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài và được người tiêu dùng ưa chuộng, cho thấy hàng Việt Nam không hề thua kém hàng hóa của nhiều quốc gia trên thế giới.
Thực tế cho thấy, suốt những năm qua, động lực hấp dẫn thật sự để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt không chỉ là tinh thần yêu nước chung chung mà chính là sự quan tâm bảo đảm và ngày càng cải thiện chất lượng, giá cả và thông tin về hàng Việt trong so sánh cần thiết với các hàng ngoại nhập.
Việc xây dựng những thương hiệu hàng Việt mạnh chính là sự khẳng định và phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc và xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng |
Đặc biệt, không chỉ được người tiêu dùng vùng trung tâm, đồng bằng ưa chuộng mà một kết quả nhân văn của Cuộc vận động này là hàng Việt đã phủ sóng nhiều địa phương khu vực miền núi. Ở các khu vực khó khăn này, bà con biết dến hàng Việt ngày càng nhiều hơn. Các địa phương, Hiệp hội hàng, doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm giới thiệu và đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt.
Dù đã có nhiều nỗ lực đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu vùng xa, song có nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp hiện không quá mặn mà với việc đưa hàng Việt lên miền núi. Ông nhận định gì về ý kiến này?
Đây cũng là điều dễ hiểu bởi khu vực miền núi có điều kiện khác với đồng bằng và thành thị, đặc biệt là yếu tố địa hình và sức mua còn thấp nên độ phủ sóng của hàng Việt tại miền núi, vùng sâu vùng xa còn khó khăn. Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng Việt, nhất là hàng khó bảo quản đến khu vực miền núi dễ bị suy giảm chất lượng. Hàng hóa Việt cũng không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc về mẫu mã, chất lượng và chi phí khác. Đây chính là lý do khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đưa hàng Việt lên với khu vực này.
Cho nên tôi cho rằng, thời gian tới, cần có thêm đột phá trong quyết tâm thực hiện Cuộc vận động nhằm mở rộng độ phủ sóng hàng Việt.
Ông có gợi mở gì về giải pháp để hàng Việt Nam có thể chiếm lĩnh được các khu vực thị trường, đặc biệt là khu vực vùng sâu vùng xa?
Để cạnh tranh với hàng nhập lậu giá rẻ, tăng độ phủ sóng hàng Việt ở vùng sâu vùng xa, khu vực miền núi thì cần thêm các biện pháp như tăng cường tuyên truyền cho bà con khu vực này về những mặt hàng hàng Việt Nam có chất lượng và giá cả tương đồng với hàng nhập khẩu. Từ đó có sự so sánh hàng hóa các bên để tăng sự cạnh tranh và tăng sự lựa chọn cho khách hàng.
Song song với đó là chính sách thương mại cần có sự rà soát theo hướng giảm chi phí cho doanh nghiệp kinh doanh, buôn bán hàng hóa tại khu vực này để giảm thiểu tối đa giá thành, giúp doanh nghiệp có được nguồn hàng chất lượng, giá phải chăng.
Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp về địa điểm kinh doanh, bán hàng để doanh nghiệp có thêm lợi ích, động lực để gắn bó hơn với khu vực này.
Xin cảm ơn ông!