Bà đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông trong việc đóng góp vào thành công chung của CVĐ trong 10 năm qua?
Cách đây 10 năm, nền kinh tế nước ta đứng trước khó khăn kép, vừa chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, vừa bước vào mốc hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tăng năng lực sản xuất, đứng vững trước khó khăn và hội nhập thành công mà không vi phạm các cam kết hội nhập, Đảng đã chủ trương tổ chức CVĐ, trong đó giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức phát động CVĐ để vận động toàn dân hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đồng thời vận động doanh nghiệp trong nước nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn. Cùng với đó, vai trò của công tác truyền thông cũng được chỉ rõ: "Đẩy mạnh công tác tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động, làm cho người tiêu dùng trong nước và nước ngoài nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam…".
Với vai trò lớn như vậy, 10 năm qua, các cơ quan truyền thông đã vào cuộc tích cực trong việc tuyên truyền các nội dung CVĐ. Không ít cơ quan báo chí đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục riêng về CVĐ. Đã có hàng trăm nghìn tin bài báo, chương trình truyền hình về CVĐ.
Thời gian qua, công tác thông tin, truyền thông, quảng bá hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt, tôn vinh, biểu dương sản phẩm tiêu biểu được đẩy mạnh thông qua việc đấu tranh, phê phán các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, CVĐ tiếp tục góp phần vào việc nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Là người đã gắn bó nhiều năm với CVĐ, xin bà chia sẻ một vài ấn tượng hay kỷ niệm đáng nhớ đối với hoạt động truyền thông về hàng Việt?
Điều ấn tượng với tôi là sự vào cuộc đồng bộ, nhiệt tình từ các cơ quan báo chí Trung ương đến địa phương, báo ngành; báo chí truyền hình, phát thanh, đến báo in, báo điện tử… Bằng những đặc trưng riêng, nhóm độc giả riêng của mình, các cơ quan báo chí đã phản ánh đa dạng, nhiều mặt hoạt động của các địa phương, ngành, tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng CVĐ một cách sinh động… tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần thay đổi suy nghĩ, thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam.
Đơn cử, với các cơ quan báo chí ngành Công Thương, việc tuyên truyền không chỉ gói gọn trong các bài viết, phóng sự, video mà còn thông qua các hoạt động khuếch trương sinh động, mang lại hiệu quả cao, như Lễ trao Giải thưởng "Sản phẩm, dịch vụ Thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng CVĐ; Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam… Thông qua các hoạt động này, người tiêu dùng không chỉ tin tưởng, yêu thích hàng Việt Nam mà còn nhận diện rõ hơn các thương hiệu Việt tiêu biểu.
CVĐ đã trải qua thập niên đầu tiên với nhiều thành tựu, theo bà, giai đoạn tới, CVĐ cần tập trung vào những hoạt động nào? Vai trò và trách nhiệm của truyền thông cần tiếp tục được phát huy ra sao?
Giai đoạn tới, Ban Chỉ đạo CVĐ sẽ tiếp tục tham mưu đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với các hình thức, nội dung cụ thể phù hợp với mỗi đối tượng, địa bàn, cộng đồng dân cư; phát huy trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo để thực hiện CVĐ đem lại hiệu quả cao nhất.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, khi người tiêu dùng ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm hàng hóa thì mục tiêu vận động người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam cần phải chuyển sang mục tiêu vận động doanh nghiệp tự hào về hàng hóa, sản phẩm thương hiệu Việt Nam, công tác tuyên truyền về CVĐ càng cần đi vào chiều sâu.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, trong giai đoạn mới, công tác truyền thông cần nhắm vào việc tạo động lực, khuyến khích từng doanh nghiệp thay đổi mạnh mẽ hơn nữa thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, thay đổi công nghệ, xây dựng thương hiệu, thị trường để sản phẩm, dịch vụ ngày càng chất lượng và cạnh tranh.
Trân trọng cảm ơn bà!