Thứ hai 12/05/2025 20:54

Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada: Cách làm hiệu quả phát huy vai trò cán bộ Bộ Công Thương biệt phái ở nước ngoài

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước là để phát huy trí tuệ của bộ phận cán bộ Công Thương, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

TS. Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada đã có cuộc chia sẻ với Báo Công Thương về Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước.

Thưa bà, ngày 29/7 vừa qua, Bộ Công Thương lần đầu tiên tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước. Đây chính là tiền đề để Bộ Công Thương tổ chức thường kỳ vào các tháng tiếp theo. Bà đánh giá thế nào về hoạt động này của Bộ Công Thương?

Hội nghị ngày 29/7/2022 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo lập nền tảng đối thoại và cập nhật thông tin thường kỳ để hệ thống các cơ quan thương vụ ở nước ngoài của Bộ Công Thương sớm nắm vững các chủ trương định hướng và các vấn đề nóng của ngành, để kịp thời tham mưu, dự báo, cung cấp thông tin, kinh nghiệm, cách xử lý của các nước đối tác.

Bên cạnh đó, các thương vụcũng có cơ hội để thường xuyên trao đổi, hỏi đáp và cập nhật định chiến lược phát triển và nhu cầu của các ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cả nước. Với ý nghĩa này, Hội nghị không chỉ là hoạt động giao ban xúc tiến thương mại mà thực tế chính là một Hội nghị đối thoại và triển khai các nhiệm vụ của ngành Công Thương với các cơ quan thương vụ ở nước ngoài. Đưa hoạt động này vào kế hoạch công tác thường kỳ, thể hiện rõ sự sát sao, cầu thị của lãnh đạo Bộ Công Thương để phát huy trí tuệ của bộ phận cán bộ Công Thương biệt phái ở nước ngoài.

Chúng tôi tin rằng, khi được sống cùng “hơi thở, nhịp đập và mạch suy nghĩ”, chúng tôi sẽ có khả năng nâng cao chất lượng tham mưu, kịp thời thông tin, đề xuất chính sách để Lãnh đạo Bộ đưa ra những quyết sách, giúp nhanh chóng phát huy và khơi thông các nguồn lực phát triển ngành riêng và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội được Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Chúng tôi cũng nhận được những phản hồi tích cực của các doanh nghiệp thường xuyên kết nối với thương vụ về Hội nghị ngày 29/7. Các doanh nghiệp đều đánh giá cao cơ hội được lắng nghe và đối thoại cùng các lãnh đạo Bộ ngành và các chuyên gia về các vấn đề thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ của ngành Công Thương.

TS. Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada

Có thể nói, Hội nghị này chính là cầu nối quan trọng giữa hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước. Để nâng cao hiệu quả của hội nghị hơn nữa, bà có góp ý gì?

Hiệu quả của một Hội nghị phụ thuộc rất nhiều vào chủ đề, đối tượng và diễn giả tham gia. Theo tôi, với tính chất là Hội nghị đối thoại và cung cấp thông tin thì đối với mỗi kỳ Hội nghị, phải chọn ra được chủ đề phù hợp, thời sự và trọng tâm.

Phù hợp nghĩa là đúng vào các vấn đề mà Bộ ngành, hiệp hội, địa phương doanh nghiệp quan tâm hay không. Thời sự nghĩa là có đúng xu hướng, đúng thời điểm không. Trọng tâm nghĩa là có đúng những ưu tiên, định hướng và chức năng nhiệm vụ của Bộ ta hay không. Từ chủ đề, chúng ta sẽ mời được đúng diễn giả có chất lượng và hiểu sâu về các vấn đề của từng địa bàn, từng phạm vi quản lý và lĩnh vực mặt hàng.

Chúng ta cũng cần có các nội dung “đặt hàng” các diễn giả sao cho rõ và trúng vào các khía cạnh mới của chủ đề; đặc biệt yêu cầu phân tích nguyên nhân và giới thiệu được các thông tin hay, cách làm sáng tạo, kinh nghiệm hiệu quả... Khi chúng ta có chủ đề và diễn giả tốt, chúng ta càng cần “lựa chọn” đối tượng khách mời cho chính xác để cho thông tin đến được nơi cần đến và đúng thời điểm.

Với tính chất thường kỳ hàng tháng, theo tôi, Ban tổ chức nên triển khai danh mục các chủ đề trước từ 3-6 tháng, dựa theo mối quan tâm của các địa phương, ngành nghề và doanh nghiệp. Sự tham gia của các Cục Vụ trong Bộ và các các Bộ ngành khác về mặt hoạch định nội dung chủ đề và cung cấp, giới thiệu diễn giả là rất cần thiết.

Cùng với các doanh nghiệp, chúng tôi cũng rất cần nghe và được cập nhật kịp thời các thông tin từ trong nước để làm “vốn liếng” khi triển khai công việc ở nước ngoài. Chúng tôi mong muốn thời lượng đối thoại, hỏi đáp được bố trí nhiều hơn và bản thân các cơ quan thương vụ cũng được quyền tham gia đối thoại và đề nghị cung cấp thông tin chứ không phải là trao đổi một chiều.

Và cuối cùng, theo tôi, để kết quả của các Hội nghị có thể triển khai thực chất, rất cần sự quan tâm tham gia chủ trì của lãnh đạo Bộ Công Thương.

Trước tác động của dịch Covid-19, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, đại diện thương vụ có những khuyến nghị nào tới doanh nghiệp, ngành hàng khi thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường?

Tôi cho rằng các yếu tố dịch bệnh và địa chính trị sẽ tiếp tục mang lại cả những cơ hội và những hệ luỵ tiêu cực cho mọi nền kinh tế và doanh nghiệp. Từ góc độ địa bàn Canada, tôi cho rằng các hệ luỵ tiêu cực này đặc biệt rõ với tỷ lệ lạm phát cao và sụt giảm tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng. Khảo sát cho thấy lòng tin kinh doanh, lòng tin tiêu dùng, lạc quan tài chính của người dân và doanh nghiệp Canada đều thấp, đây đều là những yếu tố khiến cho triển vọng tăng cường xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn không dễ dàng trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, các khó khăn về mặt bối cảnh này lại cũng chính là những yếu tố tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường và có thêm cơ hội kết nối sản xuất.

Thứ nhất, chính phủ và doanh nghiệp Canada nhận thức rõ yêu cầu đa dạng hoá nguồn cung trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không hạ nhiệt và trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách zero Covid. Thứ hai, Canada định hình ngày càng rõ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình, vì vậy càng ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư với châu Á, đặc biệt là Canada đang rất muốn đẩy nhanh ký kết Hiệp định Canada - ASEAN và Việt Nam đang trở thành điểm sáng ở khu vực châu Á nhờ tính ổn định và có thể dự báo.

Để tiếp cận thị trường, cải thiện năng lực xuất khẩu vào thị trường Canada, các doanh nghiệp của chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến việc tìm hiểu đối thủ cạnh tranh, thị trường, thị hiếu và quy định của sở tại; chủ động nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn; sáng tạo mẫu mã và mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài đảm bảo tính cạnh tranh về giá và khả năng cung hàng ổn định, chúng ta phải chú ý xây dựng các giá trị về môi trường, tính nhân văn và thương mại công bằng trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần lưu ý là trong Hiệp định CPTPP, Canada là quốc gia có số vụ điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu Việt Nam, vì vậy, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm thực hiện đúng các quy tắc xuất xứ. Là nước có mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do rộng khắp, Canada quan tâm thúc đẩy các doanh nghiệp của mình tận dụng nguyên tắc xuất xứ cộng gộp để hợp tác sản xuất và tăng cường xuất khẩu.

Hai nước có nhiều tiềm năng để kết nối chuỗi sản xuất, hợp tác gia công OEM cho các thương hiệu Canada, sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam và Canada, sản xuất tại Việt Nam để phục vụ thị trường Canada hoặc xuất khẩu đi nước thứ ba. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển hướng tìm nguồn cung hàng, nguyên vật liệu để thay thế cho các thị trường Nga, Ukraine và cả Tây Âu (Đức, Anh…).

Chúng ta đang đứng trước những thời cơ mới do bối cảnh quốc tế và các cơ hội mới do các FTAs mang lại. Vì vậy, ngoài khai thác các ưu đãi về thuế quan để nhằm thúc đẩy xuất khẩu, các doanh nghiệp cần nắm những cơ hội lớn hơn với các doanh nghiệp nước ngoài như là sự kết nối sản xuất, đầu tư, công nghệ, thương hiệu để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao vị trí của mình trong chuỗi..

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần quan tâm đến các cơ hội tham gia mua sắm chính phủ, đấu thầu chính phủ, hợp tác công tư ở nước ngoài mà các FTAs mang lại. Ngoài ra, cần tính đến việc tạo sự đồng vận giữa xuất khẩu hàng hoá và xuất khẩu dịch vụ. Đây là mảng xuất khẩu mà các doanh nghiệp của chúng ta còn bỏ ngỏ, chưa tận dụng được cơ hội về dịch vụ vận tải biển, xây dựng, dịch vụ viễn thông và IT và dịch vụ nhượng quyền thương mại, dịch vụ lao động, du lịch…

Xin cảm ơn bà!

Thu Phương - Hoa Quỳnh (thực hiện)
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường ngoài nước

Tin cùng chuyên mục

Tăng cảnh báo từ sớm, từ xa cho doanh nghiệp khi Ấn Độ siết phòng vệ

Nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trên nền tảng số

Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục: Khi hạt giống là chìa khóa

Vinachem sẽ ra mắt sàn thương mại điện tử VinachemMart

Loạt giải pháp giữ vị thế ngành sầu riêng Việt Nam

Cơ hội xuất khẩu quả bưởi khi Australia hoàn tất đánh giá

Lý do tổ yến 'made in Việt Nam' vào Trung Quốc còn khiêm tốn

Cảnh báo sớm: ‘Lá chắn’ bảo vệ hàng Việt xuất khẩu

Thức tỉnh ‘giấc mơ’ thương hiệu: Câu chuyện đặc biệt từ một gói cà phê

Giải 'cơn khát' nhân lực trong thương mại điện tử

VPPE 2025: Thúc đẩy phát triển công nghệ xanh ngành bao bì

Hà Giang: Dòng chảy số gỡ 'nút thắt' hàng hóa nông sản cho người dân

Dự án Luật Thương mại điện tử do Bộ Công Thương xây dựng được đánh giá cao

Xúc tiến thương mại: Đa dạng ‘kênh’ mở rộng thị trường

Chất lượng tốt, cà phê Robusta Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng

Hội chợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã miền Bắc: Kết nối và lan toả

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng/2025 tăng 15,7% so với cùng kỳ

Chủ động thích ứng, doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu hàng hóa

Hà Nội: Xuất khẩu hàng hóa đạt 6,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2025

Thương mại điện tử nội địa cần làm gì để không bị “lép vế”?